Liên kết vùng, phục hồi thị trường khách quốc tế

Thứ bảy - 29/10/2022 20:22
Sau khoảng lặng kéo dài hơn 2 năm của đại dịch COVID-19, đây là thời điểm mà ngành Du lịch đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu, liên kết vùng để phục hồi thị trường khách quốc tế.

Sau khoảng lặng kéo dài hơn 2 năm của đại dịch COVID-19, đây là thời điểm mà ngành Du lịch đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu, liên kết vùng để phục hồi thị trường khách quốc tế.

 

Các hãng lữ hành quốc tế và khách quốc tế tại Hội chợ ITE 2022 thích thú khi tìm hiểu về thông tin du lịch Phú Yên. Ảnh: CTV

 

Đánh dấu cho nỗ lực phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế là sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE) 2022 với chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên” diễn ra vào tháng 9. Hội chợ được đánh giá là thành công khi thu hút hơn 22.000 lượt khách thương mại và công chúng đến tham quan, với 8.600 lượt giao thương giữa người bán và người mua, trong đó có 161 buyer - người mua quốc tế - đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ; ghi nhận mức tăng trưởng 42% so với kế hoạch, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường quốc tế.

 

Chỉ tiêu khách quốc tế khó đạt

 

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hội chợ ITE là sự kiện du lịch quốc tế hàng đầu của Việt Nam và các nước hạ nguồn sông Mekong, là giải pháp hữu hiệu để phục hồi du lịch quốc tế sau dịch COVID-19.

 

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 430.000 lượt khách, có sự tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 1,65 triệu lượt. So với mục tiêu đặt ra đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, thì con số nói trên mới đạt 1/3. Một số nguyên nhân ảnh hưởng dòng khách quốc tế đến Việt Nam, đó là: Các nước khu vực Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn du lịch, trong khi thị trường này chiếm khoảng 60-70% lượt khách quốc tế; việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn; xung đột quân sự các nước...

 

Khách du lịch quốc tế lưu trú tại Khu du lịch ven biển Phú Yên Stelia Beach Resort. Ảnh: CTV

 

Tham gia hội chợ ITE, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết đây là cơ hội để ngành Du lịch các tỉnh tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch hoàn toàn vắng bóng khách quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch mới, quan trọng hơn là đặt mối quan hệ liên kết, hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế về thúc đẩy dòng khách inbound. Ông Lê Duy Long, Phó Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Stelia Beach Resort, nói: “Với các hãng lữ hành quốc tế, Phú Yên là điểm đến du lịch mới nổi. Qua hội chợ ITE, các hãng lữ hành và du khách tham quan có thêm thông tin về du lịch Phú Yên, họ bày tỏ sự thích thú về vẻ đẹp thiên nhiên và các sản phẩm du lịch biển. Chúng tôi đã đặt mối quan hệ liên kết, hợp tác đưa khách đến Phú Yên trong thời gian tới”.

 

Thời điểm hiện tại đến những tháng đầu năm sau là mùa du lịch cao điểm với thị trường khách quốc tế. Ngành Du lịch đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, tập trung liên kết vùng, mở rộng thị trường, các hoạt động xúc tiến quảng bá; đầu tư hạ tầng sân bay, bến cảng; chính sách thị thực, xuất nhập cảnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và chuyển đổi số trong du lịch…

 

Mở rộng quy mô liên kết vùng

 

Sau kết quả khả quan từ Hội chợ ITE 2022, giữa tháng 10/2022, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai “Diễn đàn du lịch Mekong” tại Quảng Nam, với chủ đề “Tái thiết ngành Du lịch - Kiên cường phục hồi du lịch”. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, diễn đàn là dịp để các quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong mở rộng chung tay thực hiện các hoạt động thiết thực, thúc đẩy sớm phục hồi, phát triển du lịch.

 

Tiểu vùng Mekong mở rộng là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Tiểu vùng Mekong mở rộng là một khu vực kinh tế tự nhiên được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2, dân số gần 334 triệu người. Thống kê của Tổng cục Du lịch, các nước, vùng lãnh thổ tiểu vùng Mekong là một trong những thị trường khách chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

 

Ở quy mô liên kết vùng, khu vực trong nước, ngành Du lịch 3 tỉnh: Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa vừa gặp nhau trong một diễn đàn chung, bàn giải pháp, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung để thu hút khách quốc tế. Tour “Một hành trình ba điểm đến Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa” hướng đến thị trường khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đây là cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch của ba địa phương này.

 

Có thể nhận thấy, cả ba tỉnh đều có sân bay, cảng biển. Các cảng hàng không Phù Cát (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa) đã khai thác đường bay quốc tế đến nhiều nước, trong khi Cảng hàng không Tuy Hòa cũng đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng đón các chuyến bay quốc tế. Ba địa phương này có vị trí chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. Cả ba tỉnh đều có cảng biển nước sâu (Cảng Quy Nhơn, Cảng Vũng Rô và Cảng Cam Ranh), đủ điều kiện để đón khách du lịch tàu biển. Về đường bộ, Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa nằm trên tuyến quốc lộ 1, du lịch xuyên Việt, đã thông các hầm đèo Cù Mông, đèo Cả; đường sắt Bắc - Nam rất thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông. Thêm vào đó là sự tương đồng về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên đa dạng với nhiều danh thắng nổi tiếng, trong đó Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa (Phú Yên) là một điểm đến không thể bỏ qua… Phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng nhau liên kết, bổ trợ cho nhau, ngành Du lịch 3 tỉnh vùng duyên hải miền Trung kỳ vọng sẽ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách quốc tế.

 

Các hãng lữ hành quốc tế và khách quốc tế tại Hội chợ ITE 2022 thích thú khi tìm hiểu về thông tin du lịch Phú Yên. Ảnh: CTV

 

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, mỗi tỉnh cần phát huy, đầu tư xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, đồng thời cùng nhau liên kết xây dựng điểm đến mới đặc sắc có trọng tâm, trọng điểm để tạo nên thương hiệu lớn cho tour một hành trình ba điểm đến, nhằm thu hút du khách Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản và các thị trường khách quốc tế khác.

 

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Liên kết vùng, hợp tác phát triển là một hướng đi, giải pháp hay cho các địa phương ở chung khu vực địa lý, có những điểm tương đồng về sản phẩm du lịch. Tour một hành trình ba điểm đến mà ngành Du lịch 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa đang chung tay xây dựng trên cơ sở phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch biển, sự đa dạng tài nguyên thiên nhiên, yếu tố đặc trưng văn hóa, con người của từng vùng đất sẽ góp phần làm nên sản phẩm du lịch độc đáo, phục hồi thị trường khách quốc tế trong thời gian tới.

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp