Lợi thế phát triển du lịch thể thao biển ở Phú Yên

Chủ nhật - 23/10/2022 02:48
Du lịch thể thao biển là một loại hình du lịch kết hợp thể thao đang được quan tâm và đầu tư phát triển ở nhiều địa phương có biển. Phú Yên có được những điều kiện ưu ái từ thiên nhiên, rất phù hợp cho hoạt động du lịch thể thao biển.

Du lịch thể thao biển là một loại hình du lịch kết hợp thể thao đang được quan tâm và đầu tư phát triển ở nhiều địa phương có biển. Phú Yên có được những điều kiện ưu ái từ thiên nhiên, rất phù hợp cho hoạt động du lịch thể thao biển.

 

Một góc vịnh Xuân Đài, nơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Bờ biển Phú Yên dài 189km, diện tích thềm biển khoảng 6.900km2. Bờ biển Phú Yên nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành… mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú.

 

Tiềm năng đa dạng

 

Từ Bắc vào Nam, qua khỏi đèo Cù Mông là đầm Cù Mông có diện tích 2.655ha. Đầm được bao bọc phía ngoài bởi dãy núi Cù Mông chạy dài hơn 15km ra biển, tạo nên bán đảo Cù Mông với nhiều phong cảnh đẹp mắt được ví là một vùng phong cảnh sơn thanh thủy tú. Ven đầm có nhiều bãi, vịnh đẹp như Xuân Hải, Bãi Bàu, Bãi Rạng. Khí hậu tại đầm Cù Mông mát mẻ, mặt đầm phẳng lặng.

 

Kế bên là Danh thắng quốc gia Vịnh Xuân Đài, có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha; chiều dài bờ vịnh khoảng 50km với hệ sinh thái biển, rừng đa dạng, phong phú. Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài là thương cảng của Phú Yên trong quá khứ, nơi diễn ra sự kiện ngoại giao đầu tiên Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 1832.

 

Nối tiếp là gành Đá Đĩa - danh thắng quốc gia độc nhất vô nhị ở Việt Nam có giá trị đặc biệt về cấu tạo địa chất. Bên gành Đá Đĩa có bãi biển dài khoảng 3km, cát trắng mịn, nước biển trong xanh chan hòa ánh nắng phù hợp cho hoạt động du lịch thể thao biển; là điều kiện tốt để hình thành một khu nghỉ dưỡng biển cao cấp.

 

Một góc vịnh Xuân Đài, nơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Dọc biển Tuy An còn có đầm Ô Loan, Hòn Yến - hai thắng cảnh quốc gia, diện tích mặt nước trên 2.000ha. Riêng Hòn Yến, ngoài giá trị địa chất, cảnh quan tự nhiên, còn có những rạn san hô quý hiếm với đủ sắc màu, mê hoặc lòng người. Tuy An còn có bãi Xép, bãi biển Long Thủy, làn nước trong xanh, bờ cát trắng trải dài bao quanh những rặng dừa bốn mùa xanh tốt, đều là những địa điểm có lợi thế phát triển loại hình du lịch thể thao biển.

 

Tiếp đến là TP Tuy Hòa, bờ biển dài 30km nơi tập trung nhiều khu du lịch đẳng cấp gắn với Quảng trường 1 Tháng 4 và công viên biển tuyệt đẹp.

 

Từ Hòa Hiệp Bắc đến đảo Hòn Nưa, là địa bàn TX Đông Hòa có bờ biển dài gần 50km, với nhiều danh thắng quốc gia như: Bãi Môn - Mũi Điện, điểm đất liền nhô ra biển Đông đón nhận ánh bình minh sớm nhất của Tổ quốc. Núi Đá Bia - một trong ba biểu tượng của xứ đàng Trong được vinh danh “Thiên Nam đệ nhất trụ”. Đặc biệt, vịnh Vũng Rô với diện tích 1.640ha, gắn liền với di tích lịch sử quốc gia, về những con tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển…

 

Biển Phú Yên được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú với những vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thể thao biển.

 

Phát triển du lịch thể thao biển

 

Từ lâu Phú Yên đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao miền biển và sông nước như: Lễ hội đua thuyền vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, sông Chùa và Lễ hội sông nước Đà Nông. Nhiều bộ môn thể thao truyền thống có điều kiện bảo tồn, phát huy như đua thuyền, lắc thúng, bơi lội và các trò chơi vận động dân gian trên sông nước.

 

TP Tuy Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao bờ biển như giải bóng chuyền trên cát, hội thi thả diều thu hút nhiều người tham gia cổ vũ. TX Đông Hòa tổ chức giải việt dã leo núi Đá Bia, Mũi Điện thu hút hàng trăm vận động viên. Những hoạt động thể thao này vì mục đích sức khỏe, giải trí, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân địa phương vào dịp tết và các lễ hội truyền thống.

 

Đua thuyền rồng trên sông Chùa (TP Tuy Hòa) là hoạt động thể thao dân gian truyền thống được tổ chức vào mùng 7 tết Nguyên đán. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Để phát triển du lịch thể thao biển, quy mô các hoạt động thể thao truyền thống ở Phú Yên cần nâng lên tầm cao mới. Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cần được quan tâm để phát triển nhiều hoạt động thể thao du lịch biển khác nhau, như: đua mô tô nước, lặn biển, lướt ván biển, nhảy dù, dù lượn, chơi bóng chuyền, bóng ném ở bãi biển, đua thuyền, khinh khí cầu… Những hoạt động thể thao này đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân, là sự trải nghiệm mới để thu hút khách du lịch cũng như phát triển kinh doanh du lịch.

 

Du lịch thể thao biển ở Phú Yên không đơn thuần là tổ chức cho du khách mà còn hướng đến việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực và toàn quốc với hàng ngàn vận động viên và hàng vạn cổ động viên tham dự.

 

Phú Yên còn có một lợi thế lớn là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) vịnh Xuân Đài đến năm 2030 thuộc địa bàn TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển khu DLQG là 1.200ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).

 

Khu DLQG vịnh Xuân Đài, khu vực gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Long Thủy, biển Tuy Hòa, Bãi Môn - Mũi Điện, cảng Bãi Gốc, Vũng Rô, Hòn Nưa đều có tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi; các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với hệ sinh thái đa dạng trong không gian lập quy hoạch công viên địa chất toàn cầu của Phú Yên; các khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập trên bờ gồm khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn cao cấp, khu spa cao cấp… Và sản phẩm du lịch khác gồm du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh; du lịch sinh thái như lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển; đi bộ, dã ngoại, cắm trại, quan sát động, thực vật trong rừng... Sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gồm: tham quan thắng cảnh quốc gia; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, các di tích khảo cổ, di tích lịch sử trải dài trên 189km bờ biển; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, thưởng thức văn hóa ẩm thực và đặc sản biển…

 

Du lịch thể thao kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch văn hóa, du lịch thương mại, ngoài việc đem lại nguồn lợi kinh tế còn tạo hiệu ứng xã hội rất lớn. Các hoạt động thể thao dù là nghiệp dư, giải trí, giao lưu đều góp phần tạo nên sự hấp dẫn của các điểm đến. Để thực hiện các mục tiêu trên, các cơ quan chức năng cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: quy hoạch và quản lý quy hoạch; cơ chế, chính sách về thuế, đầu tư, huy động vốn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng; phát triển hệ thống hạ tầng du lịch; nguồn nhân lực…

 

Du lịch được ví là ngành công nghiệp không khói, còn thể thao được xem là số một trong lĩnh vực giải trí. Những hoạt động thể thao này vừa đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân vừa thu hút khách du lịch cũng như phát triển kinh doanh du lịch. Ngược lại, du lịch giúp những nơi có hoạt động thể thao được quy hoạch hợp lý, giúp người dân địa phương có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp