Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Trong xu thế này, buộc các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo sao cho phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhà tuyển dụng nói riêng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, không thể thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp cùng những định hướng tăng cường mối liên kết này.
Thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Năm 2021, Trường đại học Xây dựng Miền Trung được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch, Quản trị kinh doanh nhà hàng - khách sạn, Quản trị kinh doanh tổng hợp).
Để sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là tránh hiện tượng mất cân đối về cung - cầu nhân lực, trước khi mở ngành, nhà trường đã khảo sát thực trạng nhu cầu về nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực này tại các đơn vị, doanh nghiệp. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với trường để tìm kiếm nhân lực, “đặt hàng” nhân lực chất lượng cao và có những động thái thiết thực để đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo.
Về phía nhà trường, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp…, bước đầu nhà trường hướng chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo của mình, mời các doanh nhân tham gia góp ý chương trình đào tạo, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp...
Tham gia góp ý chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh nhà hàng - khách sạn) của Trường đại học Xây dựng Miền Trung, bà Cao Lê Hoài Thảo, Giám đốc Khách sạn Hùng Vương chia sẻ: Quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là quan hệ biện chứng, vì lợi ích từ hai phía. Từ mối liên kết này, sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực ổn định, sát với mong muốn của mình. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ hướng các trường đưa ra xã hội những “sản phẩm” gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giúp các doanh nghiệp tránh được tình trạng phải đào tạo lại.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đưa hẳn mức thu nhập cao đến các cơ sở đào tạo để đặt hàng tuyển dụng, nhưng các trường không đủ nguồn để cung cấp. Chẳng hạn trong năm 2020, nhiều đơn vị tuyển dụng trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Xây lắp Tiến Đạt, Công ty TNHH Điện Địa Phương, Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn, Công ty CP Bá Hải, Công ty CP An Hưng, Khách sạn Kaya… thường xuyên mở đợt tuyển dụng lao động tập trung ở các ngành nghề như cơ khí, hàn, điện, may thời trang, quản trị khách sạn nhưng các trường không cung ứng đủ số lao động mà họ cần.
ThS Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nói: Sự lệch pha cung - cầu này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc thích hợp đối với học sinh sau trung học. Vì thế, cần có sự kết nối giữa người học với doanh nghiệp; giữa hệ thống đào tạo với hệ thống các doanh nghiệp. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở đào tạo rà soát quá trình đào tạo phù hợp yêu cầu cung ứng lao động. Nhà trường, người lao động và xã hội phải được biết các thông tin này để góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động.
Đối tác chiến lược
Liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Do đó, hiện nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã đưa nội dung này vào chiến lược phát triển của nhà trường. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động.
Các doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên ngay tại trường. Ảnh: THÚY HẰNG |
“Được hợp tác với cơ sở đào tạo là nhu cầu thiết thực của chính doanh nghiệp. Mối liên kết này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng lao động cho doanh nghiệp. Và điều phải nhấn mạnh ở đây là mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp không mang tính hỗ trợ từ phía này đối với phía kia, mà là sự cần thiết khách quan để hai bên tồn tại và phát triển bền vững, bởi sự liên kết này đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà trường”, bà Cao Lê Hoài Thảo bày tỏ.
Những năm gần đây, tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo có xu hướng tăng lên. Trong khi sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thì các doanh nghiệp lại thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập, buộc các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên với cơ sở đào tạo, đồng thời cũng khiến các cơ sở đào tạo chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, để đào tạo sinh viên đáp ứng ngay với vị trí công việc được tuyển dụng.
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho hay: Các hình thức hợp tác có tính khả thi và phổ biến là nhà trường cung cấp cho doanh nghiệp những sinh viên tốt nghiệp chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp; tổ chức đào tạo chuyên sâu và ngắn hạn, cũng như đào tạo chính quy dài hạn theo hợp đồng đặt hàng có quy định nội dung, thời gian và kinh phí...
Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác để trao đổi và tiếp nhận chuyên gia, cố vấn, sinh viên thực tập và các hoạt động và dịch vụ khoa học, ứng dụng triển khai và tư vấn khác... Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn có các hoạt động tham vấn, ký kết các chương trình hợp tác với nhiều doanh nghiệp để đào tạo nhân lực sát với nhu cầu doanh nghiệp. Đó vừa là mục tiêu và cũng là động lực để trường không ngừng cải tiến hoạt động đào tạo theo định hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhằm xây dựng thương hiệu cho dịch vụ, chất lượng giáo dục của trường.
Sự gắn kết giữa đào tạo với sử dụng, giữa nhà trường với xã hội ngày càng có xu hướng tăng lên. Để thắt chặt sự liên kết này, các bên cần tích cực thể hiện rõ vai trò của mình hơn là trạng thái cứ ngồi đợi nhau tìm đến mình trước.
Khảo sát một số công trình nghiên cứu cũng như tổng hợp kết quả điều tra xã hội học của các tổ chức trong và ngoài nước về thực trạng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo đại học ở nước ta thời gian qua cho thấy, có chưa đến 10% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các doanh nghiệp tham gia hội thảo, tọa đàm, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo cũng chưa phổ biến. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải là từ chiến lược dài hạn. |
THÚY HẰNG