Trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có 222.503 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Điều này cho thấy, nhiều em đã biết cân nhắc, lựa chọn con đường đi cho riêng mình sau THPT.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi; trong đó thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 222.503 (chiếm 21,79%). Tại Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 1.300 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trong tổng số hơn 10.800 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, có 2 nguyên nhân cơ bản để thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp, đó là các em chọn học nghề hoặc xét tuyển đại học bằng học bạ. Năm nay, các trường đại học mở rộng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó nới rộng chỉ tiêu cho phương thức xét dựa vào kết quả học tập THPT, kể cả những trường công lập lớn. Do vậy, dễ thấy là thí sinh không cần cạnh tranh ở phương thức xét kết quả thi.
“Có thể nói, sự lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp của học sinh cuối cấp THPT hiện nay rất đa dạng. Số thí sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp tương đối ổn định trong những năm gần đây (khoảng 15-20%), điều này phản ánh việc phân luồng hướng nghiệp gắn với thực tiễn đã thực tế hơn”, ông Phạm Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT) nhìn nhận.
Nếu như những năm trước, xét tuyển học bạ được coi là phương án phụ, thì năm 2021 phương thức xét tuyển này lại trở thành lựa chọn ưu tiên của thí sinh và phụ huynh. Hiện không ít thí sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển của các trường đại học và chỉ chờ tốt nghiệp THPT để nhập học chính thức.
“Xét tuyển theo phương thức học bạ, chúng em có thể chủ động chọn tổ hợp các môn thế mạnh của mình để đăng ký vào nhiều trường, ngành khác nhau; nhất là năm nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT không biết có thể diễn ra theo kế hoạch ban đầu hay không. Vì thế, em chọn xét tuyển bằng học bạ nên chỉ cần đỗ tốt nghiệp là xong”, Trần Anh Bảo, học sinh Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) chia sẻ.
Xác định học nghề nên em Bùi Phương Minh, học sinh Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An) đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, không nộp hồ sơ xét tuyển đại học mà chọn học nghề cơ khí. Bởi theo Minh, qua tìm hiểu thị trường lao động, em biết học nghề hiện nay rất dễ xin được việc làm. Còn em Phạm Bùi Thu Trang, học sinh Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Phú Hòa), cho hay: “Gia đình không có điều kiện cho em học tiếp đại học nên em chọn tốt nghiệp THPT xong là đi học nghề nấu ăn để sau này lập nghiệp”.
Thời gian qua, bên cạnh dạy văn hóa, ngành Giáo dục còn đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Các chương trình tư vấn được tổ chức phong phú về nội dung, linh hoạt hình thức (trực tuyến, trực tiếp), đảm bảo chuyển tải đầy đủ và chính xác thông tin đến học sinh và phụ huynh. Qua đó, tư duy về định hướng nghề nghiệp được hình thành rõ nét trong học sinh. Giờ người học đã thực tế hơn, nhất là khi các trường thực hiện tự chủ, học phí đại học tăng cao.
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến quá trình học, ôn tập nhưng với quyết tâm phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, hiện học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc ôn tập và nỗ lực với mục tiêu đạt kết quả cao. Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường có kế hoạch, tổ chức hình thức ôn tập, phụ đạo cho học sinh lớp 12 phù hợp bối cảnh phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian qua, bên cạnh dạy văn hóa, ngành Giáo dục còn đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Các chương trình tư vấn được tổ chức phong phú về nội dung, linh hoạt hình thức (trực tuyến, trực tiếp), đảm bảo chuyển tải đầy đủ và chính xác thông tin đến học sinh và phụ huynh. Qua đó, tư duy về định hướng nghề nghiệp được hình thành rõ nét trong học sinh. Giờ người học đã thực tế hơn. |
MẠNH THÚY