Do dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, từ sau lễ khai giảng đặc biệt năm học 2021-2022, học sinh lớp 1 bắt đầu học online (trực tuyến) tại nhà. Bên cạnh sự chuẩn bị của thầy cô, các bậc phụ huynh cần làm gì để giúp con em làm quen với cách học mới này đạt hiệu quả?
Tối hôm ấy, cháu tôi (học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lạc Long Quân, phường 7, TP Tuy Hòa) có tiết học trực tuyến tiếng Việt. Ngồi gần đó quan sát, tôi thấy cô giáo chủ nhiệm điều hành lớp rất bài bản, chu đáo từ khâu điểm danh đến việc hướng dẫn các cháu đánh vần các từ trong bài học. Em nào trả lời lí nhí, không rõ ràng hoặc vấp váp thì cô nhẹ nhàng nhắc hoặc đọc lại để các em phát âm cho đúng. Nhìn chung, lớp học tuy trực tuyến nhưng diễn ra sôi nổi, vui vẻ và không hiếm em đưa tay xin đánh vần, nhận xét bạn theo gợi ý của cô giáo. Kết thúc tiết học, cô giáo khen những em học tốt, đồng thời khuyên một số bạn cần cố gắng nhiều hơn nữa để lần sau học tốt hơn.
Nếu có gì cần phải “lưu ý”, “rút kinh nghiệm” ở tiết học này thì có thể nói rằng không phải từ phía các em học sinh mà là sự tham gia của phụ huynh. Trong khi các cháu đang tập trung học thì thỉnh thoảng lớp lại vang lên tiếng phụ huynh nói chuyện ồn ào, tiếng chó sủa, tiếng sập cửa, tiếng ti vi đang phát một ca khúc nào đó… Thậm chí có phụ huynh “ngứa miệng” nhiều lần xen vào chỉnh sửa, đọc mẫu để con cháu bắt chước khiến cô giáo phải lên tiếng: Ông nội em B.T không nên nhắc nữa mà để em tự đánh vần ạ!
Trong khi chờ đại dịch bị đẩy lùi hoàn toàn để xã hội trở lại cuộc sống bình thường mới, học sinh tiếp tục đến lớp học tập bình thường như trước đây, rõ ràng, con em phải học trực tuyến ở nhà là việc còn rất lâu dài. Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải đồng hành cùng các cháu (nhất là ở bậc tiểu học, mẫu giáo) sao cho phù hợp. Cần nhớ học ở lớp cũng như học trực tuyến tại nhà, giáo viên vẫn là người cung cấp kiến thức cho học sinh chứ không phải phụ huynh. Cho nên, trước khi vào học trực tuyến, phụ huynh cần nhắc trẻ tìm hiểu trước nội dung bài học.
Đồng thời chuẩn bị máy móc sao cho thông suốt, điện phải đảm bảo thật an toàn trong quá trình học, hướng dẫn trẻ cách mở, tắt và sử dụng các phím của máy tính, dùng tai nghe… sao cho thuần thục. Khi trẻ ngồi học, phụ huynh cần đảm bảo không gian sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, nếu có góc riêng cho trẻ học tập thì càng tốt. Phụ huynh chỉ giữ vai trò quan sát từ xa, lưu ý các thiếu sót mà cô giáo nhắc nhở để sau đó cùng trẻ tìm cách khắc phục sao cho các giờ học ngày càng tốt hơn. Phụ huynh tuyệt đối không tự tiện xen vào học cùng con, nhất là giận dữ la ó, quát mắng khi thấy trẻ làm bài chưa đúng hoặc “tích cực” nhắc bài như ông nội đã nói ở trên!
Việc học trực tuyến chỉ thực sự đạt hiệu quả lâu dài khi trẻ chủ động học bài, làm bài, tương tác thoải mái với thầy cô giáo. Do đó, phụ huynh cần cùng con lập thời khóa biểu chi tiết các ngày học trong tuần theo môn học mà giáo viên đã xếp lịch. Trên cơ sở đó giúp trẻ chủ động chuẩn bị các khâu để ngày càng tự tin, vững vàng mà học trực tuyến đạt kết quả tốt hơn.
Theo thông tin các báo, khoảng 9 giờ 30 sáng 10/9, bé trai tên H.H.D (9 tuổi, ở ngõ 475 Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang học trực tuyến thì cha của bé có việc đi ra ngoài. Sau đó, bé lấy chiếc kéo chọc vào ổ điện và không may bị điện giật. Khi trở lại phòng, người cha mới phát hiện sự việc và đưa D đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong. Đây là bài học thương tâm mà các bậc phụ huynh cần lưu ý khi tổ chức cho con học trực tuyến tại nhà. |
HOÀNG NHIÊN