Công bố của các trường đại học cho thấy một số ngành có mức điểm chuẩn lên đến trên 30 điểm. Theo đó, dù đạt tới 10 điểm tuyệt đối ở cả ba môn của tổ hợp xét tuyển đại học với mức tối đa 30 điểm, thí sinh vẫn sẽ trượt nguyện vọng một vào ngành học yêu thích nhất nếu không có điểm cộng ưu tiên.
Giữ kỷ lục điểm chuẩn đến thời điểm này có lẽ là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức với mức điểm 30,5 điểm. Đây là mức điểm kỷ lục chưa từng có của hầu hết các trường đại học. Với một trường đại học vùng như Đại học Hồng Đức, đây lại càng là mức điểm chuẩn “xa xỉ”.
Với mức điểm chuẩn này, ngoài việc phải điểm thi rất cao, thí sinh còn phải có thêm điểm cộng ưu tiên mới có cơ hội trúng tuyển.
Đại học Hồng Đức còn có các ngành khác điểm chuẩn cao ngất ngưởng như ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao với 29,75 điểm; ngành Sư phạm Lịch sử 28,5 điểm; ngành Sư phạm Toán học chất lượng cao với 27,2 điểm.
Xếp thứ hai về điểm chuẩn hiện nay là ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân với mức điểm chuẩn lên tới 30,34 điểm. Mức điểm này được áp dụng với thí sinh nữ phía Bắc xét tuyển bằng tổ hợp C00.
Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân cũng ở mức rất cao với 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; 29,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ)
Điểm chuẩn trên 29 cũng xuất hiện ở nhiều trường như Học viện Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, Đại học An ninh nhân dân.
Vị trí thứ ba về điểm chuẩn đang thuộc về ngành Hàn Quốc học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Ngành Hàn quốc học (khối C00) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm chuẩn tròn 30 điểm vào năm nay.
Theo lãnh đạo các trường đại học, việc điểm chuẩn ở các ngành học này được đẩy lên rất cao, tới mức từ 30 điểm trở lên do đề thi giảm độ khó so với năm trước trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này đều rất ít đồng thời đây cũng là ngành “hút” thí sinh.
Đại học Hồng Đức chỉ dành có 60 chỉ tiêu cho cả 4 ngành đào tạo sư phạm Toán học, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử chất lượng cao, mỗi ngành có 15 chỉ tiêu. Các sinh viên học nhóm ngành này được hưởng rất nhiều ưu đãi. Ngoài việc miễn học phí, sinh viên sẽ có thêm chi phí sinh hoạt. Khi ra trường các em cũng không phải lo việc làm vì đây là chỉ tiêu đào tạo đã được tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” và có cơ chế tuyển dụng.
Tương tự, khối ngành an ninh cũng luôn là nhóm ngành thu hút thí sinh sẽ không phải lo học phí và việc làm khi theo học. Khối trường này cũng có chỉ tiêu rất ít cho thí sinh nữ.
Riêng ngành Hàn Quốc học, theo giáo Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từng lý giải, chỉ tiêu vào ngành học này vốn không cao, trong đó, nhà trường đã xét tuyển thẳng hơn một nửa số chỉ tiêu.
Tuy nhiên, việc điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 điểm không phải là hiện tượng phổ biến. Trước đó, năm 2017, một số ngành học cũng đã có mức điểm chuẩn vượt “trần”.
Theo TTXVN/Vietnam+