Ngày 11/9, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 240/TB-VPCP, truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Thông báo nêu rõ, để bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch COVID-19 có nhiều khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt trong điều kiện chưa triển khai tiêm vaccine được cho lứa tuổi học sinh; tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan.
Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học, có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Đối với các khu vực chưa thể tổ chức học tập trung tại trường lớp cần kết hợp đồng bộ giữa các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, phát phiếu học tập, nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học, nhất là đối với học sinh tiểu học, học sinh các lớp học theo sách giáo khoa mới.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT giảm tải chương trình phù hợp với điều kiện và phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình, đặc biệt lưu ý phương châm “học mà chơi, chơi mà học" đối với học sinh bậc tiểu học và các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tâm sinh lý của các cháu.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, thi cử (nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường, chọn lớp đầu cấp; thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học) phù hợp với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GD-ĐT chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch, đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng có dịch.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có chương trình huy động nguồn lực tổng thể từ ngân sách nhà nước kết hợp với tổ chức vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tài trợ các phương tiện học tập cho học sinh, nhất là những học sinh nghèo trong vùng dịch. Các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm đường truyền, miễn, giảm giá cước cho học sinh, sinh viên và giáo viên.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng bảo đảm chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khẩn trương biên soạn bài giảng, học liệu trực tuyến cho lớp 2 và lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT phát triển ngân hàng học liệu mở, bài giảng trực tuyến đa phương tiện. Bộ GD-ĐT chủ trì, thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Kênh Truyền hình Nhân dân về kế hoạch phát sóng các bài giảng qua truyền hình, đài phát thanh cụ thể, chi tiết từng môn học, lớp học, cấp học bảo đảm diện bao phủ tốt nhất; làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng các đài phát thanh, truyền hình địa phương để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm “1 môn học, lớp học nhải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong 1 ngày".
Phó Thủ tướng giao Bộ TT-TT phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Đồng thời, Bộ TT-TT tham gia kêu gọi, huy động hỗ trợ trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh nghèo ở trong vùng dịch nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục trực tuyến, giáo dục từ xa.
Đài Truyền hình Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án "Xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc học và tự học suốt đời trên hệ sinh thái truyền hình giáo dục Việt Nam”; tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT xây dựng, thẩm định hệ thống bài giảng cho học sinh các cấp theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới để phát sóng trên Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7 và các kênh truyền hình khác phục vụ cho học sinh trong thời gian có dịch; xây dựng học liệu phục vụ việc giảng dạy trực tuyến và trực tiếp trong năm học 2021-2022 và những năm học tiếp theo.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Kênh Truyền hình Nhân dân phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT xây dựng, sắp xếp học liệu, bài giảng truyền hình, lên lịch phát sóng, bảo đảm diện bao phủ tốt nhất trong cả nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2021.
Theo TTXVN