20 năm miệt mài gieo chữ ở miền núi

Thứ tư - 03/02/2021 06:41
Suốt 20 năm qua, cô Nguyễn Thị Thu Hường, Tổ trưởng khối 1, Trường tiểu học và THCS Ea Bia (huyện Sông Hinh) đã dành cả thanh xuân của mình để gieo chữ cho bao thế hệ học trò miền núi.

Suốt 20 năm qua, cô Nguyễn Thị Thu Hường, Tổ trưởng khối 1, Trường tiểu học và THCS Ea Bia (huyện Sông Hinh) đã dành cả thanh xuân của mình để gieo chữ cho bao thế hệ học trò miền núi.

 

 

Cô Hường thuyết phục học sinh đưa con em ra lớp học ngay từ đầu năm học và cùng cô hướng dẫn các em học. Ảnh: CTV

 

 

Gieo con chữ, dựng ước mơ

 

Lại một mùa xuân nữa, cô Nguyễn Thị Thu Hường (SN 1979) quê ở TP Tuy Hòa đón thêm tuổi mới với những học trò rất đặc biệt của mình. Năm 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên), khi các bạn bè cùng lớp tìm mọi cách để có thể đứng chân tại phố thị thì cô Hường tình nguyện về dạy học cho những trẻ em thiệt thòi nơi miền núi Sông Hinh.

 

Những ngày đầu về công tác ở miền núi, nhiều lúc tôi cũng muốn trốn chạy, quay về với ánh đèn nơi phố thị nhưng những đôi mắt trong veo của học sinh níu giữ, mình không nỡ rời đi. 
                                                                 Cô Nguyễn Thị Thu Hường

Và từ đó đến nay, mối duyên của cô với vùng đất này, với những học trò miền núi càng thêm bền chặt. Cô Hường nhớ lại: “Những ngày đầu về công tác tại Trường tiểu học Tân Lập (xã Ea Ly), trường lớp tạm bợ, đường đi lại sình lầy khó khăn, điện thì chưa có… Nhiều lúc tôi cũng muốn trốn chạy, quay về với ánh đèn nơi phố thị nhưng những đôi mắt trong veo của học sinh níu giữ, mình không nỡ rời đi”. Đến năm 2011, cô được điều chuyển về dạy tại Trường tiểu học và THCS Ea Bia cho tới nay.

 

Dưới mái ngói mới đỏ tươi, tiếng đọc bài ê a vang vọng theo nhịp gõ thước của cô Hường khuấy động không gian ngôi trường này. Cô Hường cho biết: “Tôi hiện chủ nhiệm lớp 1B. Năm học này, lớp chỉ có 17 em, đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Có em nhà cách trường 7 cây số nhưng ngày nào cũng đến lớp sớm và không một ngày nghỉ học”.

 

Để lớp học đông đủ, năm học nào cũng vậy, 1 tháng trước ngày khai giảng, cô Hường đến từng nhà vận động học sinh ra lớp học trước tiếng Việt vì phần lớn các em chỉ nói được tiếng đồng bào. Theo cô Hường, sở dĩ nhiều em không chịu ra lớp là do không biết tiếng Việt, hoặc có em đúng tuổi nhưng bị bệnh tự kỷ, ngại tiếp xúc nên không chịu đi học. Có em vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hàng ngày ba mẹ lo làm rẫy không quan tâm đến con đúng tuổi đến trường. Có em ra lớp được vài hôm thì bỏ học, cô lại phải đến nhà vận động, mua quần áo, sách vở, quà… để “kéo” các em trở lại trường.

 

Cô Hường chia sẻ: “Trong lớp có 2 học sinh bị bệnh tự kỷ, nhận thức hạn chế nên phải học lưu ban hai năm lớp 1. Năm ngoái, các em chỉ học 1 học kỳ thì không chịu học nữa. Lúc này, cha mẹ các em bất lực, chấp nhận cho con nghỉ học luôn. Nhưng tôi thì không buông bỏ”.

 

Đầu năm học mới 2020-2021, cô Hường lại đến nhà các em này vận động, thuyết phục, đưa hai em trở lại lớp. Để việc dạy, trao đổi giữa cô trò thân thiện hơn, cô Hường quyết chí học tiếng đồng bào nơi đây. Ban đầu, cô học từ bà con bản xứ, sau đó học trường lớp, lấy chứng chỉ hẳn hoi. Cô Hường nói: “Nhờ thông thạo ngôn ngữ của đồng bào nên những ngày đầu khi các em chưa biết tiếng Việt, tôi vẫn có thể trò chuyện, hiểu được các em. Từ đó, mình có cách để tiếp cận và dạy các em dễ hơn”.

 

Học sinh trưởng thành từng ngày

 

Để dạy tiếng Việt cho học sinh, ở lớp, cô Hường viết một câu tiếng Việt lên bảng rồi đọc trước, sau đó cho các em đọc theo. Rồi cô sưu tầm những tranh ảnh sinh động mà học sinh thích, rồi đặt câu hỏi để các em trả lời. Những em không trả lời được, cô hướng dẫn nói từng từ rồi tăng dần nói thành câu.

 

Các học sinh lớp 1B hiện đã biết đọc, viết tiếng Việt do cô Hường dạy. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Trong giờ ra chơi, cô Hường tổ chức sinh hoạt tập thể, các hoạt động trải nghiệm, yêu cầu các em chỉ nói tiếng Việt để có nhiều vốn từ. Khi các em đọc, viết được tiếng Việt thì không còn e ngại mà sẽ ham thích đến trường. “Khi thấy các em biết đọc, viết thành thạo tiếng Việt, biết làm toán…, mọi vất vả, khó khăn như biến mất. Nhờ vậy, tôi càng gắn bó với nghề và yêu các em hơn”, cô Hường nói.

 

Em K Puôn Y Phong là một điển hình. Y Phong là người nhút nhát, đến lớp không muốn tiếp xúc với ai do không biết tiếng Việt, nhiều lần em không chịu đến lớp học. Năm học này, thời gian đầu, Phong cũng không chịu đến lớp, cô Hường phải đến nhà chở em đi học. Đến lớp, cô Hường không chỉ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ em học, viết, làm toán mà mỗi giờ ra chơi cô còn tổ chức các trò chơi dân gian và tạo điều kiện cho em cùng tham gia chơi với bạn bè. Từ đó, Phong dạn dĩ và nỗ lực học tập tốt hơn.

 

Cô Hường cho biết: “Tổng kết học kỳ 1, Phong là học sinh khá của lớp. Với đà học tập như hiện nay, cuối năm học này, em chắc chắn sẽ nhận phần thưởng trong học tập”.

 

Chị Hờ Ngốc, mẹ K Puôn Y Phong nói: “Nhờ cô Hường động viên dạy bảo mà đến nay Y Phong học rất tốt. Bây giờ Y Phong không chỉ biết đọc, biết viết tiếng Việt mà còn biết làm toán, dạn dĩ, không ngại tiếp xúc với người lạ nữa. Thấy cháu học được, tôi mừng lắm”.

 

Trường hợp K Pă Y Hùng ở buôn Nhum cũng là một trong những học sinh cô Hường phải mất nhiều thời gian đến nhà vận động phụ huynh đưa em ra lớp. Ban đầu em cũng không chịu đi học. Đến khi học được vài buổi, em lại trốn ở nhà. Với sự kiên trì vận động, dạy bảo của cô Hường, đến nay không một ngày nào Hùng nghỉ học, thậm chí mỗi ngày em còn đến lớp sớm hơn một số bạn bè trong lớp. Bây giờ Hùng cũng đã biết đọc, viết tiếng Việt khá tốt.

 

Không chỉ tâm huyết gieo từng con chữ cho học trò, cô Hường còn luôn có những sáng kiến, mô hình, giải pháp để phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số của trường.

 

Đơn cử, trong năm học 2015-2016, sáng kiến “Một số giải pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và giao tiếp ở lớp 1”; năm học 2017-2018, sáng kiến “Một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở lớp 1B của trường”… được ngành Giáo dục huyện Sông Hinh công nhận, nhà trường áp dụng trong giảng dạy tại trường. Cô Hường cho biết: “Sau khi áp dụng các sáng kiến trên, học sinh có thể phát triển tư duy, trí tuệ; khả năng học tập cũng như giao tiếp tiếng Việt của các em ngày càng tiến bộ rõ rệt”.

 

Theo Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Bia Lê Tấn Xuân, cô Thu Hường là giáo viên nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn vững vàng. Qua đánh giá chất lượng học tập lớp 1B do cô Hường chủ nhiệm, đạt tỉ lệ 96% học sinh hoàn thành môn Tiếng Việt.

 

Nhiều năm, cô Hường đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và đạt giải giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tiểu học cấp huyện, được Phòng GD-ĐT, UBND huyện Sông Hinh tặng giấy khen, chứng nhận. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, cô Hường còn có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm và nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp trong chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Nhờ đó, trong 6 năm liên tục, cô Hường đều đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm học 2018-2019, cô được UBND tỉnh tặng bằng khen. Mới đây cô vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2020.

 


TRUNG HIẾU

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp