Giáo viên rối bời với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Thứ hai - 01/03/2021 01:19
Nhiều giáo viên thắc mắc, tại sao họ đã dạy học hàng chục năm, nay phải có chứng chỉ này để được “giữ hạng”, “giữ lương”?

Nhiều giáo viên mầm non, phổ thông đổ xô đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo yêu cầu của ngành Giáo dục. Nhiều giáo viên thắc mắc, tại sao họ đã dạy học hàng chục năm, nay phải có chứng chỉ này để được “giữ hạng”, “giữ lương”?

 

Những ngày qua, Trường đại học Phú Yên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên tục thông báo về việc tuyển sinh các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông theo hình thức học tập và giảng dạy trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

 

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết với Trường đại học Quy Nhơn thông báo tổ chức khóa bồi dưỡng, với thời gian học 240 tiết, học phí 2,3 triệu đồng/người. Còn Trường đại học Phú Yên phối hợp với Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức khóa học, với mức học phí 2,2 triệu đồng.

 

Không “giữ hạng”, lương sẽ giảm

 

Ông Nguyễn Hữu Danh, Trưởng Phòng GD-ĐT TX Đông Hòa cho biết, ngày 27/2, đơn vị đã phối hợp với Trường đại học Phú Yên khai giảng khóa bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho gần 100 giáo viên trên địa bàn thị xã. Ngoài khóa đào tạo này, hiện nhiều giáo viên của thị xã đã đăng ký học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

 

Để giáo viên trên địa bàn hiểu rõ về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương, ngày 23/2, Phòng GD-ĐT TX Đông Hòa có công văn yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thị xã hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên biết về đối tượng để tham gia khóa bồi dưỡng.

 

Các trường rà soát, lập danh sách đối tượng đăng ký bồi dưỡng, gửi về Phòng GD-ĐT trước ngày 27/2 để có kế hoạch tổ chức khóa bồi dưỡng. Ngay sau khi Phòng GD-ĐT TX Đông Hòa có công văn, hàng trăm giáo viên ở địa phương này đổ xô đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mua hồ sơ, đăng ký học và thi để được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

 

Thầy N.T.C, giáo viên một trường THCS ở TX Đông Hòa, băn khoăn: Tôi đi dạy đã gần 20 năm, vậy mà bây giờ phải đi học để lấy chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì thật là khó hiểu. Thấy nhiều đồng nghiệp đổ xô mua hồ sơ và đăng ký học để được cấp chứng chỉ, với học phí hơn 2 triệu đồng mà lòng tôi rối bời.

 

“Chúng tôi lo lắng nếu không đi học thì đến tháng 3 này không giữ được hạng, tiền lương hàng tháng sẽ giảm. Trước sau gì cũng phải học để có chứng chỉ này, nên học cho xong”, thầy N.T.C giãi bày.

 

Tương tự, cô T.T.T.L dạy tại một trường mầm non công lập ở huyện Tây Hòa, cho biết: “Những ngày qua nhiều đồng nghiệp của tôi chia sẻ thông tin về việc đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp do các trường đại học tổ chức. Thời gian học linh động để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên học tập. Dù chưa biết sau này có giúp ích gì cho việc dạy học, nhưng tôi cũng đăng ký tham gia do Trường đại học Phú Yên tổ chức; đã học buổi đầu tiên bằng hình thức online”.

 

Nhiều giáo viên phản ánh, họ đã thấm thía khi trước đây ngành Giáo dục quy định ngoài bằng cấp chuyên môn, họ phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mới đủ điều kiện tuyển dụng và được biên chế viên chức Nhà nước. Nay Bộ GD-ĐT lại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì “đẻ” ra cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Chương trình học không phải là kiến thức chuyên môn, nên chứng chỉ này chẳng giúp ích gì cho giáo viên trong công tác dạy học. Do vậy, việc phải học để có chứng chỉ này là không cần thiết.

 

Không nhất thiết sau ngày 20/3 phải có chứng chỉ

 

Theo đại diện Trường đại học Phú Yên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông được thực hiện theo các thông tư 01, 02, 03 và 04/2021 của Bộ GD-ĐT.

 

Ông Võ Nguyên Hòa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cho biết, theo kế hoạch, ngày 28/2, đơn vị phối hợp với Trường đại học Quy Nhơn khai giảng khóa bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đầu tiên cho giáo viên trên địa bàn tỉnh theo tinh thần các thông tư của Bộ GD-ĐT vừa ban hành. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên phải tạm hoãn. Giáo viên tiếp tục đăng ký học tại trung tâm, có thể một vài ngày tới sẽ khai giảng khóa đào tạo này.

 

Còn TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết, không phải đến bây giờ mới yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, mà việc này đã làm từ lâu. Từ năm 2018 đến nay, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ này cho khoảng 4.000 giáo viên. Riêng sau khi các thông tư 01, 02, 03 và 04/2021 của Bộ GD-ĐT ban hành, đến nay đã có khoảng 600 giáo viên đăng ký tham gia các khóa bồi dưỡng do nhà trường tổ chức.

 

Các thông tư 01, 02, 03 và 04/2021 của Bộ GD-ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương viên chức giáo viên có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Tùy vào tình hình thực tế, mỗi địa phương có lộ trình thực hiện khác nhau. Có thể 1 tháng, 2 tháng hoặc nửa năm… chứ không nhất thiết đến ngày 20/3/2021 tất cả giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

 

TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên

 

“Việc tổ chức các khóa bồi dưỡng này đúng theo quy định, dạy thực, học thực theo từng nhóm riêng: mầm non, tiểu học, THCS và THPT, chứ không làm tràn lan, gấp gáp theo phong trào”, TS Trần Lăng khẳng định và thông tin thêm: Giáo viên và các cơ sở giáo dục cần hiểu đúng tinh thần các thông tư của Bộ GD-ĐT vừa ban hành. Các thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 và tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương mà có lộ trình thực hiện khác nhau. Có thể 1 tháng, 2 tháng hoặc nửa năm… chứ không nhất thiết đến ngày 20/3/2021 tất cả giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Vì vậy, giáo viên và các cơ sở giáo dục phải bình tĩnh, lựa chọn đơn vị đào tạo có uy tín, chất lượng, học phí và thời gian đào tạo phù hợp để tham gia khóa học.

 

Trước những lo lắng, thắc mắc của giáo viên các địa phương vì “giấy phép con” để giữ hạng, thăng hạng giáo viên, Bộ GD-ĐT khẳng định quy định tại các thông tư nêu trên có căn cứ theo luật và nghị định của Chính phủ. Cụ thể, Luật Viên chức năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng.

 

Nghị định 101/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

 

Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục. Việc ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là phù hợp, không trái với quy định của hệ thống pháp luật.

 

QUANG THUẦN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp