Xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP được xác định là giải pháp tối ưu, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương.
Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch
Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai, nhân rộng.
“Tại Phú Yên, Chương trình OCOP được tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 335 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, trong đó có 2 sản phẩm du lịch cộng đồng đã được công nhận. Việc được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch đã góp phần nâng tầm các sản phẩm du lịch, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, thu nhập cho người dân địa phương. Từ đó giúp cộng đồng ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống”, ông Nhân cho biết.
Mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden là sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận 4 sao. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp, du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) cho biết: Mộc Miên đang cố gắng xây dựng một quy trình phục vụ khách hiệu quả nhất có thể, từ việc đặt chỗ, di chuyển, đón tiếp, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đều phải tạo được ấn tượng và làm du khách nhớ mãi. Tại đây, du khách không chỉ tham quan mà còn trải nghiệm những câu chuyện của cư dân bản địa, được tiếp xúc và làm việc cùng họ. Ở chiều ngược lại, nhiều người dân ở đây được tạo công ăn việc làm, bán sản phẩm.
Theo ông Đinh Văn Ìn, Tổ trưởng Tổ hợp tác tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo vệ quần thể rạn san hô Hòn Yến, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), sau nhiều nỗ lực của hơn 40 thành viên tổ hợp tác, đến nay, sản phẩm du lịch cộng đồng Hòn Yến đã được UBND huyện Tuy An công nhận OCOP 3 sao và được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết đến. “Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch trong xây dựng nông thôn mới không chỉ mở ra cho người dân cơ hội nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mà còn giúp nhiều phụ nữ có cơ hội phát triển bản thân, tăng thu nhập”, ông Ìn chia sẻ.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về Chương trình phát triển du lịch, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, trong đó có liên quan đến du lịch nông thôn như: phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa); công nhận điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh)…
Tuy nhiên, hiện Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, du lịch cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới chưa được ban hành đầy đủ, thiếu đồng bộ, đặc biệt là chưa có bộ tiêu chí du lịch nông thôn nên thực tế triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không có cơ sở để đánh giá các tiêu chí công nhận điểm du lịch nông thôn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2025.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay: Đề án hướng tới mục tiêu phát triển du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện của tỉnh gắn phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Thủy, tại đề án thí điểm, 9 mô hình du lịch cộng đồng và 1 mô hình du lịch nông nghiệp sẽ được triển khai. Với vai trò là đơn vị chủ trì, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả; vận dụng, lồng ghép các nguồn ngân sách, các chương trình hỗ trợ phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề, cây trồng, vật nuôi, phát triển sản phẩm OCOP phục vụ du lịch nông thôn. Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn hướng dẫn các nội dung liên quan đến đề án.
Ông Nguyễn Ngọc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư (huyện Tuy An) cho hay: Làng nghề chiếu cói Phú Tân là một trong những mô hình du lịch cộng đồng được triển khai thực hiện thí điểm, để bảo tồn, khôi phục và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. UBND xã đã vận động thành lập được HTX Sản xuất dịch vụ du lịch chiếu cói An Cư; đồng thời kết nối với Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Việt Bech đưa khách du lịch về trải nghiệm hoạt động làng nghề. Hướng sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch trải nghiệm làng nghề chiếu cói.
Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai, nhân rộng.
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh |
NGỌC HÂN