Tìm hiểu công việc và cơ hội việc làm từ ngành Du lịch

Thứ bảy - 11/03/2023 22:26
Buổi giao lưu giữa 200 sinh viên các khoa Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV), Ngoại ngữ của Trường đại học Phú Yên với khách mời là đại diện các doanh nghiệp du lịch, Chi hội Hướng dẫn viên (HDV)

Buổi giao lưu giữa 200 sinh viên các khoa Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV), Ngoại ngữ của Trường đại học Phú Yên với khách mời là đại diện các doanh nghiệp du lịch, Chi hội Hướng dẫn viên (HDV) thuộc Hiệp hội Du lịch Phú Yên vừa diễn ra trong không khí gần gũi, cởi mở, giúp sinh viên hình dung rõ hơn về một số công việc cụ thể và cơ hội việc làm trong lĩnh vực du lịch.

 

Giải đáp thắc mắc

 

Tại đây, các khách mời chia sẻ thông tin chung về du lịch Phú Yên hiện nay và những dự báo phát triển du lịch những năm sắp tới. Trong đó, thông tin thực trạng nguồn nhân lực và cơ hội việc làm cho sinh viên có ngành gần và yêu thích các công việc trong lĩnh vực du lịch nhận được khá nhiều sự quan tâm. Các sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi về vị trí việc làm ở các công ty, điều kiện để trở thành HDV du lịch, quản lý nhà hàng khách sạn, những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các vị trí công việc trong ngành Du lịch…

 

Theo HDV Mai Tân Hiến, cựu sinh viên Khoa KHXH-NV, Trường đại học Phú Yên, khó khăn lớn nhất của sinh viên mới ra trường chính là kinh nghiệm làm việc và kiến thức thực tế còn hạn chế. Chúng ta cần mạnh dạn vượt qua những áp lực ban đầu, làm việc với thái độ nghiêm túc, say mê và chịu khó học tập, dần dần tích lũy kinh nghiệm… thì sẽ làm được nghề.

 

“Khi mới bắt đầu, mình có thể theo học việc, đi tour cùng các HDV có kinh nghiệm, làm những việc nhỏ trên hành trình tour phục vụ khách đến học cách xử lý tình huống. Kiến thức là đại dương mênh mông, còn sự hiểu biết của mình như hạt cát sa mạc, các bạn cần không ngừng học hỏi từ người đi trước và cả du khách”, HDV Hiến nhấn mạnh.

 

Còn HDV Trúc Nguyên, Thư ký Chi hội HDV nói: “HDV du lịch là một công việc rất cực nhọc, vừa đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, xã hội, sự ứng biến linh hoạt, vừa phải có một sức khỏe dẻo dai. Yêu cầu công việc như vậy nên chắc chắn các bạn nữ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi vào nghề, nghề và những người đi trước sẽ hướng dẫn cách ứng xử, biến những điều bất lợi thành lợi thế; khéo léo xử lý những tình huống nhạy cảm”. HDV Trúc Nguyên cũng chia sẻ cách xử lý những tình huống khó đỡ mình đã từng gặp, giúp các bạn sinh viên yêu thích nghề HDV không cảm thấy lo lắng.

 

Một số sinh viên khác thích công việc thiết kế, bán tour, tư vấn khách hàng hay các vị trí quản lý trong nhà hàng, khách sạn cao cấp. Em Nguyễn Văn Hiếu, sinh viên Khoa KHXH-NV hỏi: Đặc trưng của du lịch Phú Yên là gì, bán tour thì cần có những kỹ năng gì? Trả lời câu hỏi này, anh Đỗ Hoàng Việt, Giám đốc Công ty CP Du lịch Nghinh Phong, cựu sinh viên Khoa KHXH-NV, cho rằng du khách đến Phú Yên rất thích phong cảnh còn hoang sơ, chưa có nhiều sự can thiệp của con người. Thứ hai, họ thích ẩm thực. Ẩm thực Phú Yên rất phong phú, đậm đà, hợp khẩu vị. Thứ ba, con người và văn hóa là yếu tố đặc trưng mà khách du lịch rất quý mến. “Một người bán tour trước hết phải biết thiết kế tour hợp lý, khoa học, đồng thời phải biết bán hàng, có kiến thức makerting, thuyết phục khách hàng và xử lý tình huống. Tốt nhất các bạn nên trải qua công việc HDV để có kiến thức, kinh nghiệm thực tế, kỹ năng đàm phán thuyết phục…”, anh Việt nói.

 

Em Hoàng Yến, sinh viên Khoa Ngoại ngữ đặt câu hỏi về những kỹ năng để có thể làm các vị trí quản lý nhà hàng, khách sạn cao cấp? Theo chị Đặng Huỳnh Túy Phương, Trợ lý Tổng giám đốc, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Stelia Beach Resort, để làm được các vị trí quản lý trung và cao cấp ở các nhà hàng, khách sạn, resort, bạn cần phải có kiến thức chuyên môn. Nếu sinh viên học khác chuyên ngành thì phải bổ sung kiến thức về lĩnh vực này. “Tôi có một lời khuyên là ngay trong thời gian còn là sinh viên, các bạn cần cố gắng học thêm kiến thức liên quan đến lĩnh vực, công việc mình yêu thích và đầu tư cho việc học ngoại ngữ. Có một ngoại ngữ chưa đủ, thêm một hai ngoại ngữ khác như tiếng Hàn, Nhật, Trung… sẽ giúp cơ hội việc làm của bạn cao hơn, thu nhập tốt hơn. Stelia Beach Resort luôn cần nhân sự ở nhiều vị trí, kể cả các vị trí tập sự để sinh viên ứng tuyển”, chị Túy Phương nói.

 

Nhiều cơ hội việc làm

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng khoa KHXH-NV cho biết: Trong chương trình thực hành, chuẩn bị hành trang tốt nghiệp cho sinh viên, hàng năm, khoa tổ chức các buổi ngoại khóa, giao lưu, tọa đàm giữa sinh viên với các khách mời là doanh nghiệp du lịch, cựu sinh viên nhà trường đang làm việc trong lĩnh vực du lịch nhằm kết nối, tìm hiểu về công việc cụ thể trong lĩnh vực du lịch, thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng…

 

Toàn tỉnh hiện có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn 2 sao, 1 sao, nhà nghỉ, homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.870 buồng, trong đó có gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.450 người. Hiện nay và trong những năm sắp tới, nhiều dự án du lịch đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng với nhu cầu phát triển thực tế, đã và đang được khởi công xây dựng. Điều này đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực có trình độ, tay nghề đáp ứng nhiều vị trí việc làm. 

 

Bên cạnh chương trình ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch về tham gia đào tạo, nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng lao động, những buổi giao lưu thế này giúp sinh viên có cơ hội trao đổi trực tiếp, hiểu được những yêu cầu thực tế nhân lực ngành Du lịch để xác định đúng đắn thái độ học tập cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm khi ra trường. Trước nhu cầu thực tế và dự báo về nguồn nhân lực, nhà trường đang đầu tư trọng điểm cho Khoa KHXH-NV, chuyên ngành Việt Nam học và du lịch.

 

TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp