Ngày 14/7, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 13/7, tất cả đều là các ca nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong nào.
Theo NHC, tất cả các ca nhiễm nhập cảnh mới đều được ghi nhận ở thành phố Thượng Hải (Shanghai). Như vậy, tính đến hết ngày 13/7, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.605 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. 78.674 bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc ngày 14/7 ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm xuống mức dưới 40, song những ca lây nhiễm theo cụm đã lan ra nhiều thành phố, trong khi các ca nhiễm nhập cảnh vẫn ở mức hai con số, tiếp tục tạo áp lực không nhỏ đối với cơ quan y tế nước này trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết đã có thêm 33 ca nhiễm mới (trong đó có 14 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 13.512 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm đáng kể so với 62 ca ghi nhận ngày 13/7. Không có thêm ca tử vong nào, theo đó tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc vẫn là 289 ca, chiếm 2,14%. Tỉ lệ bệnh nhân bình phục vẫn ở mức cao, với 78 ca được ghi nhận ngày 14/7, nâng tổng số bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn lên 12.282 người. Tính đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 1.429.616 người.
KCDC cho biết mặc dù các ca lây nhiễm theo cụm ở TP Seoul và các khu vực lân cận đã giảm trong những ngày gần đây, song điều đáng lo ngại là lây lan theo cụm đang gia tăng ở khu vực miền trung và tây nam Hàn Quốc. Bắt đầu từ ngày 13/7, những người nhập cảnh Hàn Quốc từ 4 quốc gia được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao là Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan, phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. KCDC cho biết, nếu số ca nhiễm “nhập khẩu” tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, có thể Chính phủ Hàn Quốc sẽ bổ sung một số nước vào danh sách các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Sáng 14/7, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã phát hiện thêm 9 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 165 ca, trong đó 133 ca đã khỏi bệnh. Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, 9 ca nhiễm mới là công dân Campuchia trên cùng chuyến bay chở 94 hành khách khởi hành từ Ả-rập Xê-út đến Campuchia và quá cảnh Malaysia ngày 10/7.
Bộ Y tế Singapore thông báo có thêm 322 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 46.283 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 5 ca nhập cảnh, 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 306 ca còn lại liên quan đến các khu nhà ở của người lao động nước ngoài. Đến nay, 42.541 bệnh nhân COVID-19 tại Singapore đã khỏi bệnh và xuất viện trong khi số ca tử vong hiện là 26 người.
Tại Indonesia, ngày 14/7, chi nhánh Liên minh các nhà báo độc lập (AIJ) ở TP Surabaya, tỉnh Đông Java, cho biết 3 người tử vong và hàng chục người khác được xét nghiệm dương tính sau khi một ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng được phát hiện. Theo người đứng đầu AIJ Surabaya, ông Miftah Faridl cho biết, cho đến nay, 57 nhà báo đã được xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) cho kết quả dương tính với COVID-19, trong đó 3 người đã thiệt mạng.
54 trong số 57 trường hợp dương tính được phát hiện nói trên là nhân viên thuộc chi nhánh Đài phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI). Ngoài ra, còn có 6 người khác có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19. Cũng theo ông Faridl, Ban quản lý RRI đã hợp tác với Cơ quan Y tế Surabaya để thực hiện xét nghiệm PCR cho hàng trăm nhân viên RRI vào ngày 26/6.
Ngày 14/7, chính quyền bang Victoria của Úc đã công bố một kế hoạch ứng phó toàn diện nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong kế hoạch ứng phó, chính quyền bang Victoria sẽ huy động khu vực tư nhân, bao gồm các hãng hàng không, công ty viễn thông và ngân hàng, cũng như tiếp nhận bổ sung 1.000 binh sĩ quân đội liên bang, để đối phó với dịch bệnh.
Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, cho biết các lực lượng trên sẽ tham gia lập kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, công tác hậu cần, thông tin, và các hoạt động y tế công cộng, chủ yếu tập trung vào quản lý và phân tích dữ liệu. Trong khi đó, cảnh sát bang sẽ tập trung vào việc thực thi lệnh phong tỏa tại thành phố Melbourne và khu vực Mitchell, đồng thời kiểm soát việc đi lại giữa các khu vực này với các vùng nông thôn ở bang.
Giáo sư Brett Sutton, người đứng đầu cơ quan y tế bang Victoria, cho biết hệ thống y tế của bang này đang chuẩn bị cho việc tiếp nhận thêm 200 bệnh nhân trong vài tuần tới. Ông cũng thúc giục người dân đi xét nghiệm và khám bệnh sớm tại các bệnh viện để phòng ngừa các rủi ro.
Trong khi đó, bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất ở Úc, cũng đang chật vật ứng phó với một ổ dịch mới được phát hiện tại khách sạn Crossroads ở vùng Casula, tây nam TP Sydney. Tính đến ngày 14/7, có 28 ca mắc COVID-19 được xác nhận liên quan đến ổ dịch này. Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ ổ dịch ở bang Victoria.
Trong diễn biến khác, các chuyên gia y tế dự báo nước Anh sẽ phải đối mặt với làn sóng COVID-19 nguy hiểm hơn vào mùa đông tới. Trong tình huống xấu nhất, dịch bệnh có thể khiến khoảng 120.000 người tử vong trong bệnh viện. Theo Reuters, virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn vào mùa đông khi mọi người dành nhiều thời gian tụ tập trong không gian kín. Giáo sư Stephen Holgate, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Khoa học Y khoa Anh (AMS), nhận định làn sóng thứ 2 của đại dịch có thể nghiêm trọng hơn thời điểm vừa qua.
“Đây không phải là một dự đoán, tình huống này rất có khả năng xảy ra. Làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát vào mùa đông có thể có tỉ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tình huống này có thể giảm đi nếu chúng ta hành động ngay bây giờ”, ông Holgate cho biết trong một cuộc họp trực tuyến.
Theo ước tính của AMS, sẽ có đến 119.900 ca tử vong trong bệnh viện từ tháng 9/2020 đến tháng 6/2021. Báo cáo cũng cho biết tỉ lệ tử vong này cao hơn gấp đôi số ca tử vong trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên.
Bà Anne Johnson, Phó chủ tịch AMS, cho biết mùa cúm tồi tệ sẽ xảy ra vào mùa đông tới, bao gồm cả lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh khác và bệnh mãn tính. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho dịch vụ y tế. Bà nhấn mạnh cần phải chuẩn bị các biện pháp đối phó ngay từ bây giờ.
“Dịch COVID-19 vẫn chưa biến mất. Chúng ta cần phải đưa ra mọi biện pháp để có thể giữ gìn sức khỏe trong mùa đông này”, bà nói. Trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh, hôm 13/7, Chính phủ Anh đã đưa ra quy định buộc mọi người phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng và siêu thị.
“Mọi người dân phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng. Chúng tôi sẽ thực hiện quy định bắt buộc này kể từ ngày 24/7. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang giúp bảo vệ cá nhân và những người xung quanh khỏi nguy mắc COVID-19”, thông báo của văn phòng Thủ tướng Anh nhấn mạnh.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)