Ngày 12/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm virus ARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 230.370 ca trong vòng 24 giờ.
Theo báo cáo cập nhật theo ngày về tình hình dịch COVID-19, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 10/7 với 228.102 ca nhiễm/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức 5.000 ca/ngày.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 ngày 13/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 13.027.835 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 571.076 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.575.523 người.
Trong bối cảnh trên, tối 12/7 theo giờ địa phương, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramphosa tuyên bố nước này tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3 song sẽ tăng cường một số biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó trước sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này gần chạm mốc 300.000 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong thông điệp quốc gia phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 13/7, nước này cấm mọi hoạt động mua bán đồ uống có cồn, đồng thời tái áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm. Ông Ramaphosa nêu rõ quyết định trên nhằm giảm số lượng người nhập viện do hậu quả của việc sử dụng rượu bia như tai nạn giao thông, bạo lực, ngộ độc..., nhờ đó giúp giảm tải cho hệ thống y tế vốn đang phải gống mình để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Tương tự, lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau cũng nhằm mục đích giảm tải cho hệ thống y tế trong bối cảnh đa số các vụ cấp cứu liên quan đến việc lạm dụng đồ uống có cồn thường xảy ra vào ban đêm. Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng với những người trên đường đi làm, chở về nhà từ chỗ làm hoặc trên đường đi cấp cứu.
Bên cạnh đó, Tống thống Nam Phi yêu cầu siết chặt quy định về việc bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, công sở và trường học. Liên quan đến lĩnh vực vận tải, ngoài việc yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang cũng như thực hiện việc tẩy trùng phương tiện thường xuyên, các tài xế lái xe bus và taxi bắt buộc phải duy trì việc mở cửa sổ phương tiện để đảm bảo sự thông thoáng cần thiết.
Theo Tổng thống Ramaphosa, việc Nam Phi áp dụng một trong những lệnh phong tỏa được xem là nghiêm ngặt nhất thế giới trong hơn 100 ngày qua đã giúp nước này đạt được những thành công nhất định trong nỗ lực giảm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, nhờ đó mà ngành y tế nước này có đủ thời gian chuẩn bị để sẵn sàng để ứng phó khi dịch lên đỉnh.
Trong khoảng thời gian này, Nam Phi đã chuẩn bị 28.000 giường cho bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện cùng hàng chục nghìn giường bệnh tại các bệnh viện dã chiến rải rác trên cả nước.
Ngoài ra, hơn 37.000 giường cách ly cũng đã được bố trí tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân tại toàn bộ 9 tỉnh.
Cũng trong ngày 12/7, Bộ Y tế Nam Sudan cho biết sẽ huy động các bác sĩ tâm lý để tư vấn và hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu, những người đang phải đối mặt với sự kỳ thị và mệt mỏi do đại dịch COVID-19. Một nhóm các bác sĩ tâm lý đã sẵn sàng để giúp đỡ các nhân viên y tế - người đang chịu trách nhiệm đối phó với dịch COVID-19, và gia đình của họ giảm bớt căng thẳng.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại châu Phi, quyết định của cơ quan chức năng Nam Sudan được đưa ra sau khi 8 nhân viên y tế tuyến đầu đã rời bỏ công việc với lý do phải đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng cũng như những áp lực tâm lý từ gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Sudan đã ghi nhận 2.021 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 38 người đã tử vong.
Ngày 12/7, một số quốc gia ở Đông Âu đang phải đối mặt với nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Chính quyền Hungary thông báo sẽ phân loại các quốc gia trên thế giới theo ba hạng mục tùy theo mức độ lây nhiễm ở mức nhẹ, vừa và nặng tương ứng với các màu đỏ, vàng và xanh. Danh sách này có hiệu lực từ ngày 15/7 và sẽ được xem xét lại định kỳ. Người nước ngoài từ các quốc gia thuộc nhóm màu đỏ - những nước có tỉ lệ nhiễm cao, bao gồm Albania, Ukraine, Belarus và gần như tất cả châu Á, châu Phi, Nam và Trung Mỹ, sẽ bị cấm nhập cảnh, trong khi công dân Hungary trở về từ những địa điểm đó sẽ phải cách ly trong hai tuần hoặc cho đến khi họ có kết quả kiểm tra âm tính 2 lần, cách nhau 48 giờ.
Trong khi đó, cả công dân Hungary và người nước ngoài tới từ các nước thuộc nhóm màu vàng như Serbia, Bulgaria, Bồ Đào Nha và Romania sẽ phải cách ly trong hai tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với mỗi lần cách nhau 48 giờ. Những người đến từ các nước thuộc nhóm màu xanh được phép nhập cảnh mà không bị hạn chế.
Croatia, một trong những điểm du lịch mùa hè chính của người dân Hungary, đang nằm trong số những quốc gia được miễn hạn chế. Nước này đã yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng từ ngày 13/7. Còn tại Ba Lan, nơi đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, các cử tri cũng phải đeo khẩu trang và găng tay, duy trì giãn cách xã hội và sử dụng chất khử trùng. Các cử tri cũng được phép sử dụng bút riêng để đánh dấu phiếu bầu và những thùng phiếu được khử trùng thường xuyên.
Tại Anh, Cơ quan Y tế công England và Hội đồng vùng Herefordshire ngày 12/7 thông báo khoảng 200 nhân viên làm việc tại một nông trang vùng West Midlands của vùng England đã được yêu cầu cách ly sau khi ít nhất 73 người trong số họ dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Vương quốc Anh, hiện nông trang AS Green & Co thuộc hạt Herefordshire cũng đã được phong tỏa để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Trong thông cáo mới nhất của chính quyền địa phương, cơ quan này đang làm làm việc với cơ quan y tế vùng England và đơn vị y tế hạt Herefordshire để ngăn chặn không cho ổ dịch lan rộng ra trong cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, mỗi tuần ở Anh phát hiện ra hơn 100 ổ dịch nhỏ lẻ tại các địa phương, chính quyền phải tiến hành phong tỏa khoanh vùng, đồng thời tiến hành xét nghiệm tại nhà cho mọi người dân sống trong khu có ổ dịch.
Thống kê công bố cùng ngày cũng cho thấy số ca mắc mới COVID-19 được xác nhận tại Anh đã giảm từ mức đỉnh hơn 6.000 hồi tháng 4 xuống còn 650 trong ngày 12/7, trong bối cảnh nhà chức trách đã tăng cường xét nghiệm.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)