Châu Âu yêu cầu nới lỏng các hạn chế đi lại với người đã tiêm vắc xin

Thứ ba - 01/06/2021 03:56
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu cải thiện và các chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy nhanh, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - đã đề nghị các quốc gia thành viên xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại trong mùa Hè này, đặc biệt là đối với những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu cải thiện và các chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy nhanh, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - đã đề nghị các quốc gia thành viên xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại trong mùa Hè này, đặc biệt là đối với những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu ngày 31/5, Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reyders nhấn mạnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều tích cực tại các quốc gia EU khi trong những tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm. Điều này cho thấy hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn EU. Trong bối cảnh này, nhiều nước đang dần dỡ bỏ các hạn chế phòng chống COVID-19.

 

Xuất phát từ thực tế này, EC nêu đề xuất bằng chứng về việc tiêm chủng có giá trị ít nhất là 14 ngày sau khi tiêm. Đây cũng là một trong những quy định của chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 sắp có hiệu lực từ ngày 1/7.

 

Những người được cấp chứng nhận phù hợp với chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của EU sẽ được miễn xét nghiệm hoặc cách ly liên quan đến du lịch trong 180 ngày đầu tiên sau khi xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính.

 

EC cũng đang thúc đẩy việc kéo dài thời hạn hiệu lực của các xét nghiệm PCR (lên 72 giờ thay vì 48 giờ và duy trì 48 giờ đối với các xét nghiệm kháng nguyên nhanh). Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn xét nghiệm.

 

Trong khi đó, Ý và Bồ Đào Nha yêu cầu tất cả du khách kể cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào các quốc gia này. Cơ quan hành pháp của châu Âu cũng đề nghị không nên áp đặt biện pháp cách ly đối với những người đến từ "vùng cam", đồng thời đề xuất nới lỏng các tiêu chí xác định các khu vực màu cam và đỏ.

 

Một khu vực có thể được coi là màu cam khi có tổng số ca mắc COVID-19 mới được thông báo dưới 75/100.000 dân trong thời gian 14 ngày (tăng so với mức 50 ca hiện tại) nhưng tỉ lệ xét nghiệm dương tính từ tất cả các xét nghiệm COVID-19 là 4% trở lên.

 

Một khu vực sẽ được coi là vùng đỏ nếu có từ 75-150 ca mắc mới/100.000 dân trong cùng thời kỳ và tỉ lệ lây nhiễm là 4% trở lên (so với từ 50-150 ca hiện nay). Tuy nhiên, một số quốc gia tỏ ý e ngại về những đề xuất của EC, trong đó có Bỉ.

 

Các nước như Hungary, Romania, Cyprus thực hiện giám sát bộ gene không đầy đủ và các quốc gia khác hiện đang mang màu cam, nghĩa là không yêu cầu xét nghiệm hoặc cách ly, như Bồ Đào Nha, để thu hút khách du lịch từ các khu vực khác nhau.

 

Như vậy, các nước này dễ trở thành một địa điểm khiến lây truyền các biến thể của virus SARS-CoV-2 giữa những người thuộc các quốc tịch khác nhau.

 

Trong diễn biến khác, Hội đồng châu Âu ngày 31/5 thông báo các nước thành viên EU có thể khởi động kế hoạch phục hồi sau đại dịch của khối trong tháng Sáu, sau khi toàn bộ 27 nước thành viên thông qua kế hoạch này. 

 

Thủ tướng Bồ Đào Nha, nước hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Antonio Costa, cho biết EU hiện đã có thể có được nguồn vốn cần thiết để phục hồi nền kinh tế và xã hội châu Âu.

 

Theo ông, các chính phủ và quốc hội các nước thành viên đã cho thấy một cảm nhận mạnh mẽ về sự đoàn kết và trách nhiệm. Khối này cần đảm bảo việc thông qua nhanh chóng các kế hoạch phục hồi đầu tiên vào cuối tháng 6. 

 

Theo Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp, Clement Beaune, kế hoạch phục hồi sẽ được khởi động với lượng phát hành trái phiếu ban đầu là 10 tỉ euro. Ông cho biết, EU sẽ bắt đầu tiếp cận các ngân hàng châu Âu và quốc tế lớn vào ngày 1/6. 

 

Hơn 100 tỉ euro sẽ được bơm vào nền kinh tế châu Âu từ năm nay. Kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỉ euro (910 tỉ USD) được biết đến với tên gọi "EU thế hệ mới" được đưa ra vào tháng 7/2020.

 

Kế hoạch này cần được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua trước khi Ủy ban châu Âu có thể đi vay nhân danh khối.

 

Với kế hoạch trên, EU lần đầu tiên sử dụng công cụ trái phiếu chung nhằm hạ chi phí vay mượn của các nước thành viên có nền kinh tế yếu hơn, một động thái vấp phải sự phản đối của các nước phía Bắc muốn cắt giảm chi tiêu. 

 

Quốc hội Áo và Ba Lan sẽ là những cơ quan lập pháp cuối cùng phê chuẩn cơ chế trái phiếu chung vào ngày 3/6.

 

Tây Ban Nha và Ý, hai nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, sẽ là những nước nhận tài trợ chính, với mỗi nước nhận gần 70 tỉ euro.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp