Thế giới ghi nhận gần 172 triệu ca mắc COVID-19

Thứ tư - 02/06/2021 04:57
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 2/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 171.905.781 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.575.354 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 154.397.347 người.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 2/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 171.905.781 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.575.354 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 154.397.347 người.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 610.413 ca tử vong trong tổng số 34.136.468 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 335.114 ca tử vong trong số 28.306.883 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 465.312 ca tử vong trong số 16.625.572 bệnh nhân.

 

Ấn Độ đến sáng 2/6 ghi nhận 133.228 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua. Trước đó, ngày 1/6, nước này ghi nhận 127.510 ca mắc mới - mức thấp nhất trong 54 ngày qua. Trong khi đó, tỉ lệ các ca dương tính trong tổng số ca xét nghiệm đã giảm xuống còn 6,62%. Tỉ lệ này đã ở mức dưới 10% trong 8 ngày liên tiếp. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 3.205 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 335.114 ca. Tổng số ca hiện tại dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống dưới ngưỡng 2 triệu ca sau 43 ngày.

 

Tại Campuchia, ngày 1/6, báo Khmer Times có bài tổng kết về tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia sau 100 ngày kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 tại nước này. Tính đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia, làm hơn 30.000 nhiễm bệnh và 220 người tử vong.

 

Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực dập dịch bằng nhiều biện pháp như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại giữa các địa phương, phân vùng màu vàng, vàng đậm và đỏ, Campuchia cũng xác định chỉ có tiêm vắcxin phòng COVID-19 mới giúp nước này thắng dịch để hồi phục kinh tế.

 

Trong 110 ngày thực hiện chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên quy mô lớn, số người đã được tiêm phòng là 2,6 triệu người trong khi kế hoạch của chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho tổng số 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

 

Theo thông cáo cập nhật của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 616 ca mắc COVID-19 (trong đó có 585 ca lây nhiễm cộng đồng và 31 ca nhập cảnh), ít hơn số ca hồi phục là 753 người, trong khi có thêm 6 người tử vong. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 30.710 ca  mắc COVID-19, trong đó có 23.389 người đã khỏi bệnh và 220 người tử vong.

 

Vắcxin ngừa COVID-19 do Thái Lan tự phát triển, có tên là ChulaCov19, đã sẵn sàng để thử nghiệm trên người trong tháng này sau khi chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

 

Cùng ngày 1/6, giới chức Philippines cho biết việc giao lô vắcxin đầu tiên trong tổng số 17 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, được sản xuất tại Thái Lan, đã bị hoãn lại vài tuần. Theo ông Joey Concepcion, một trong những cố vấn của Tổng thống Philippines, AstraZeneca đã thông báo việc giao lô vắcxin đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vắcxin cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vắcxin thứ 2 - cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8. Ông cho biết vẫn giữ liên lạc hằng ngày với AstraZeneca và theo công ty trên, đã có sự chậm trễ trong khâu sản xuất của Thái Lan.

 

Ngày 1/6, nước Anh thông báo không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 lần đầu tiên kể từ ngày 30/7/2020, mặc dù có những quan ngại về khả năng bùng phát làn sóng dịch thứ 3 do sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, còn gọi là biến thể Delta theo cách gọi mới của Tổ chức Y tế thế giới.

 

Nguy cơ bùng phát đợt dịch mới gây áp lực đối với kể hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch của Thủ tướng Anh Boris Johnson, dự kiến vào ngày 21/6 tới. Theo thống kê chính thức của Chính phủ Anh, hiện nước này có số ca tử vong do COVID-19  nhiều nhất châu Âu, với 127.782 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Anh đến nay là 4.490.438 ca.

 

Tương tự, Israel đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế xã hội sau hơn 1 năm áp dụng, do tình hình dịch COVID-19 đã giảm xuống gần mức bình thường. Theo đó, người dân Israel không còn phải trình “thẻ xanh” chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã miễn dịch khi đặt chân tới các địa điểm đông người trong không gian kín như nhà hàng, quán bar; các cơ quan, văn phòng không còn bị giới hạn số lượng nhân viên có mặt cùng lúc; các sự kiện đông người kể cả trong nhà hay ngoài trời không còn bị giới hạn số lượng người tham gia.

 

Hiện tại, chỉ còn một vài quy định phòng, chống dịch COVID-19 còn hiệu lực, bao gồm việc đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín và cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Israel đang xem xét dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong vài ngày tới. Quy định đeo khẩu trang khi ở ngoài trời đã được dỡ bỏ từ giữa tháng 4 vừa qua. Sau chiến dịch tiêm chủng cấp tập, số ca mắc mới COVID-19 tại Israel đã giảm xuống nhanh chóng, hiện chỉ còn 4-5 ca/ngày, so với lúc đỉnh điểm trên 10.000 ca/ngày.Israel đã hoàn thành tiêm vắcxin COVID-19 cho trên 70% các đối tượng đủ tiêu chuẩn và đang lên kế hoạch tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi.

 

Tại Ý, Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái, thời điểm nước này áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly mới để ứng phó với làn sóng dịch thứ hai. Bộ Y tế Ý cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.820 ca mắc mới - mức thấp nhất kể từ ngày 29/9/2020, khi có 1.650 ca mắc mới được ghi nhận. Kể từ đó, số ca mắc đã tăng mạnh trong làn sóng dịch thứ hai, với đỉnh điểm 40.000 ca/ngày vào tháng 11. Số ca mắc mới mỗi ngày sau đó đã giảm dần đều từ tháng 4 vừa qua dù nước này từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch từ cuối năm ngoái.

 

Ý cũng đã tiếp nhận khách du lịch quốc tế đã được tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Công tác tiêm chủng cũng được đẩy mạnh. 

 

Cùng ngày, giới chức Serbia đã quyết định dỡ bỏ thêm các biện pháp hạn chế chống dịch trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang phần nào được kiểm soát nhờ chiến dịch tiêm chủng vắcxin. Từ ngày 1/6, thực khách có thể dùng bữa ở cả trong nhà và ngoài trời cho đến nửa đêm và xem phim tại các rạp chiếu phim vào buổi tối muộn. Ngoài ra, số người được phép tham gia tại các hội thảo kinh doanh và khoa học tăng từ 100 lên 200 người.

 

Cùng ngày, Bỉ thông báo sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối với hệ thống cấp chứng nhận về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong mùa Hè này.

 

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1/6 cho biết hiện 7 quốc gia đã và đang trong quá trình cấp hoặc kiểm soát chứng nhận về COVID-19, gồm Bulgaria, Séc, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia và Ba Lan.

 

Các quốc gia này đã kết nối với nền tảng của EU và bắt đầu cấp chứng nhận đầu tiên. Ủy ban phối hợp phòng chống COVID-19 của Bỉ (Codeco) dự kiến nhóm họp vào ngày 4/6 để xác định rõ cách thức thực hiện.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp