Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Indonesia, Nga và Brazil

Thứ bảy - 17/07/2021 01:45
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 17/7 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 190.261.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.091.350 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 174.473.743 người.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Indonesia, Nga và Brazil

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 17/7 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 190.261.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.091.350 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 174.473.743 người.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 624.603 ca tử vong (tăng 290 ca trong 24 giờ qua) trong tổng số 34.926.529 ca nhiễm (tăng 37.918 ca). Sau Mỹ là Ấn Độ với 31.063.987 ca bệnh (tăng 38.112 ca) và 413.123 ca tử vong (tăng 560 ca) ; Brazil đứng thứ ba có 553.500 ca tử vong (tăng 1.450 ca) trong số 19.308.109 bệnh nhân (tăng gần 45.600 ca). Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới đã có thêm 553.235 ca mắc mới và 8.498 ca tử vong.

 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Indonesia, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắcxin.

 

Các cơ quan y tế Mỹ đã lên tiếng cảnh báo những người dân còn đang ngần ngại đi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vì virus SARS-CoV-2 gia tăng trong thời gian gần đây.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đã có 33.000 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở Mỹ vào ngày 15/7, nâng mức trung bình trong bảy ngày lên 23.306 trường hợp, tăng 70% so với tuần trước. Tỉ lệ nhập viện trung bình trong bảy ngày là khoảng 2.790 người/ngày, tăng 36%. Số ca tử vong trung bình trong bảy ngày là 211 người, tăng 26% sau nhiều tuần giảm.

 

Điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho hay số ca gia tăng đột biến trên chủ yếu tập trung ở các cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng thấp và "những ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây chủ yếu là những người Mỹ không được tiêm chủng”.

 

Làn sóng dịch mới là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra, chiếm 80% các ca nhiễm mới. Một nghiên cứu gần đây được đăng tải trên tạp chí Virological cho thấy biến thể Delta phát triển nhanh hơn bên trong cơ thể so với các chủng trước đây và có khả năng lây lan nhanh hơn.

 

Mặc dù các loại vắcxin, bao gồm cả những loại do Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sản xuất, vẫn có hiệu quả cao đối với biến thể này, song chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây.

 

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 cho 70% người dân Mỹ trước ngày 4/7, tuy nhiên tính đến ngày 15/7, con số này vẫn chỉ là 67,9%. Với tốc độ hiện tại, mục tiêu đó sẽ không đạt được cho đến cuối tháng.

 

Các khu vực ủng hộ ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn đáng kể so với những bang bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden và hiện đang trở thành tâm điểm của sự gia tăng số ca nhiễm. Các điểm nóng bao gồm bang Missouri, Arkansas và Louisiana.

 

Các quan chức y tế Mỹ hy vọng rằng, do 80% những người thuộc nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất (trên 65 tuổi) đã được tiêm chủng đầy đủ nên sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong sẽ không quá nghiêm trọng.

 

Cũng trong ngày 16/7, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến việc đầu tư nhằm cải thiện an ninh y tế toàn cầu và làm tốt công tác chuẩn bị để đối phó với các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.

 

Tổng thống Biden đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp không chính thức lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

 

Ngày 16/7, các cơ quan y tế Mỹ đã lên tiếng cảnh báo những người dân còn đang ngần ngại đi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vì virus SARS-CoV-2 gia tăng trong thời gian gần đây.

 

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky nêu rõ: “Có một thông điệp rõ ràng đang được đưa ra: Đây đang trở thành đại dịch của những người chưa được tiêm chủng”.

 

Một nghiên cứu gần đây được đăng tải trên tạp chí Virological cho thấy biến thể Delta phát triển nhanh hơn bên trong cơ thể so với các chủng trước đây và có khả năng lây lan nhanh hơn.

 

Mặc dù các loại vắcxin, bao gồm cả những loại do Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sản xuất, vẫn có hiệu quả cao đối với biến thể này, song chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây.

 

Trong khi đó, Indonesia vẫn đang là một tâm dịch mới của châu Á. Trong ngày 16/7, Indonesia bắt đầu tiêm nhắc lại vắcxin ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho các nhân viên y tế bằng vắcxin của công ty dược Moderna (Mỹ).

 

Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết chương trình được tiến hành thử nghiệm với 50 giáo sư Khoa Y thuộc Đại học Indonesia (FKUI) và một số bác sĩ Bệnh viện đa khoa trung ương Cipto Mangunkusumo ở thủ đô Jakarta.

 

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Budi cho hay nếu thử nghiệm thành công, chương trình tiêm nhắc lại cho các nhân viên y tế sẽ được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Ông Budi hy vọng rằng việc tiêm vắcxin mũi thứ ba có thể giúp tăng cường bảo vệ và giúp các nhân viên y tế an tâm hơn trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Ông cho rằng chương trình này sẽ dễ triển khai hơn do đối tượng tiếp nhận vắcxin đều làm việc tại các cơ sở y tế và Indonesia có thể hoàn tất tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế.

 

Indonesia đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vắcxin ngừa COVID-19 trong đó chủ yếu dựa vào vắcxin của công ty Sinovac (Trung Quốc). Mới đây, hơn 350 nhân viên y tế ở huyện Kudus thuộc tỉnh Trung Java của Indonesia được xác nhận mắc COVID-19, trong đó hàng chục người phải nhập viện, dù đã tiêm vắcxin của Sinovac.

 

Tại Cuba, theo công bố chính thức ngày 16/7, vắcxin ngừa COVID-19 mang tên Abdala do Cuba sản xuất đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này. Đây là kết quả được ghi nhận trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng thứ 3 của loại vắcxin nêu trên.

 

Theo bà Marta Ayala - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba (CIGB) - cơ sở phát triển dược phẩm này - Abdala là loại vắcxin đầu tiên tự sản xuất được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ Latin.

 

Abdala trước đó đã được thông báo đạt hiệu quả 92,28% trong phòng ngừa truyền nhiễm COVID-19 có triệu chứng.

 

Bà Ayala cũng cho biết số người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của loại vắcxin này ở Cuba là 300.000 người.

 

Cùng ngày, CIGB cũng cho hay ứng viên vắcxin ngừa COVID-19 Mambisa của Cuba cũng đã được đưa vào danh sách toàn cầu các loại thuốc miễn dịch qua đường mũi tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

 

Mabisa là 1 trong 5 ứng viên vắcxin, trong tổng số hơn 300 loại đăng ký trên thế giới, sử dụng qua đường mũi. Đây cũng là 1 trong 5 ứng viên vắcxin ngừa COVID-19 mà Cuba phát triển, tính cả Abdala, và là ứng viên duy nhất sử dụng qua đường nhỏ mũi với một liều duy nhất.

 

Theo thống kê, tính đến hết ngày 16/7, đã có 3,2 triệu người dân Cuba được tiêm chủng ít nhất một mũi vắcxin ngừa COVID-19, với tổng số 7,9 triệu liều đã được sử dụng, trong đó hơn 2 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng với đủ 3 liều.

 

Như vậy, Cuba vẫn đang triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra là tới hết tháng 8 hoàn thành tiêm chủng từ 60-70% dân số với 11 triệu người, cũng như vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho toàn bộ dân số với vắcxin tự sản xuất trong nước.

 

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo số ca mắc mới COVID-19 sẽ tăng mạnh vào ngày 1/8 tới, do sự lây lan của biến thể Delta trong khi nhiều nước châu Âu nới lỏng các biện pháp.

 

Trong báo cáo hằng tuần công bố ngày 16/7, ECDC dự báo số ca mắc mới COVID-19 tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Na Uy và Iceland trong tuần (kết thúc vào ngày 1/8 tới) sẽ ở mức 420 ca/100.000 người dân, tăng gần gấp 5 lần so với mức chỉ dưới 90 ca/100.000 người dân của tuần trước.

 

ECDC cũng dự báo trong tuần tiếp theo, bắt đầu từ ngày 2/8 tới, số ca mắc mới có thể vọt lên mức trên 620 ca/100.000 người dân. Báo cáo của ECDC nêu rõ tình hình dịch bệnh đang xấu đi ở nhiều nước dự kiến vẫn sẽ tiếp diễn do sự lây lan mạnh của biến thể Delta.

 

Không chỉ vậy, số ca phải nhập viện và tử vong do COVID-19 cũng có thể gia tăng, dù với tốc độ chậm hơn nhờ chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên quy mô lớn. Hiện số ca mắc COVID-19 phải nhập viện vẫn ổn định ở hầu hết các nước, song số ca tử vong dự kiến sẽ lại ở mức 10 ca/1 triệu dân, so với mức 6,8 hồi tuần trước.

 

Bên cạnh đó, ECDC cũng dự báo số ca nhiễm sẽ tăng tại 20 nước, trong khi số ca tử vong sẽ tăng ở 9 nước, trong đó có Cyprus, Hy Lạp, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha. Ở các quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, mức tăng mạnh nhất và cao nhất được ghi nhận ở những người trong độ tuổi từ 15-24.

 

Cùng ngày, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo số ca mắc COVID-19 ở vùng England trong tuần (kết thúc vào ngày 10/7), ước tính tăng lên 1 ca/95 người dân, tăng mạnh so với mức 1 ca/160 người dân ghi nhận vào tuần trước đó.

 

ONS ước tính trong tuần kết thúc vào ngày 10/7 có tổng cộng 577.700 người ở England mắc COVID-19.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp