Các nước Đông Nam Á đang cân nhắc gia hạn lệnh phong tỏa và siết chặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca COVID-19 không ngừng tăng cao.
Thái Lan ngày 19/7 ghi nhận 11.784 ca COVID-19 mới, ngày thứ 4 liên tiếp ở mức cao kỷ lục, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng tồi tệ nhất cho tới nay.
Theo Lực lượng ứng phó dịch COVID-19 của Thái Lan, nước này ghi nhận thêm 81 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 3.422 trường hợp. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan tới nay đã lên tới 415.170 người.
Giới chức y tế Thái Lan đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo vắc xin để đối phó với làn sóng hiện nay. Thái Lan đã đạt được thỏa thuận 20 triệu liều vắc xin Pfizer và đơn đặt hàng 50 triệu liều nữa đang được xem xét, Giám đốc Điều hành cơ quan kiểm soát bệnh tật Thái Lan Opas Karnkawinpong nói.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cũng lên kế hoạch đề nghị lực lượng ứng phó COVID-19 phê duyệt phương án tạm thời điều chỉnh số lượng vắc xin AstraZeneca sản xuất tại nước này như một cách để tăng nguồn cung vắc xin, nhưng ông vẫn chưa tiết lộ chi tiết về hạn ngạch.
Thái Lan đã bắt đầu sản xuất vắc xin AstraZeneca từ tháng 6 và dự kiến xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á, cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Khi ý tưởng này được chính phủ Thái Lan nêu ra trước đây, AstraZeneca cho biết, cơ sở sản xuất tại Thái Lan “có tầm quan trọng thiết yếu” đối với khu vực và công ty này đang phối hợp với phía Thái Lan cũng như chính phủ các nước khác nhằm “đảm bảo tiếp cận công bằng vắc xin trong khu vực”.
Chính phủ Thái Lan ngày 18/7 đã công bố kế hoạch siết chặt phong tỏa tại thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao, đình chỉ phần lớn các chuyến bay nội địa và mở rộng các khu vực áp lệnh giới nghiêm.
Các chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và các tỉnh khác bị phân loại ở mức có nguy cơ cao về COVID-19 sẽ bị đình chỉ từ ngày 21/7 tới.
Trường hợp ngoại lệ bao gồm các chuyến bay vì mục đích y tế, trường hợp hạ cánh khẩn cấp và các chuyến bay liên kết với chương trình mở cửa du lịch của chính phủ Thái Lan. Các chuyến bay nội địa khác có thể hoạt động 50% công suất.
Dự kiến ngày 20/7, Thái Lan sẽ công bố các biện pháp mới chặt chẽ hơn, trong đó có yêu cầu người dân ở các khu vực nguy cao hạn chế ra ngoài. Các siêu thị, ngân hàng, bệnh viện, cơ sở y tế được phép mở cửa trong khi các khu mua sắm sẽ phải đóng cửa. Lệnh giới nghiêm từ 21h-4h cũng sẽ được áp dụng từ ngày 20/7 ở các tỉnh Chonburi, Ayutthaya and Chachoengsao.
Bangkok và 9 tỉnh khác đã áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ nhất trong vòng hơn 1 năm qua kể từ hôm 12/7.
Tại Indonesia, các bác sĩ đã kêu gọi chính phủ gia hạn lệnh phong tỏa trên đảo Java và Bali trong bối cảnh số ca COVID-19 hàng ngày vẫn ở mức cao đáng kể.
Indonesia hiện đang là “tâm chấn” của đại dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 18/7, nước này ghi nhận 44.721 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1.093 ca tử vong.
Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) cho rằng, các biện pháp hạn chế cần phải tiếp tục duy trì để tránh khả năng hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng sụp đổ. Hiện nay các bệnh viện ở Indonesia đều đang quá tải và phải dựng thêm các khu lều tạm để tăng công suất hoạt động trong khi nguồn thuốc men và oxy đều hạn chế, nhân lực các bệnh viện giảm do nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19.
Theo Hiệp hội bác sĩ Indonesia, số bác sĩ tử vong do COVID-19 tại quốc gia này đã tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7 do biến thể Delta gây ra đợt bùng phát dịch bệnh trên khắp đất nước. Tổng cộng 114 bác sĩ ở Indonesia đã tử vong do COVID-19 từ ngày 1-17/7. Con số này chiếm tới hơn 20% trong tổng số 545 bác sĩ tử vong do dịch bệnh ở Indonesia kể từ đầu đại dịch.
Theo các lệnh phong tỏa một phần, được áp dụng từ 3/7 và dự kiến kết thúc vào ngày 20/7, các cửa hàng rau xanh, các siêu thị trên đảo Java và Bali - nơi chiếm 2/3 số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, phải hạn chế khách hàng, giảm một nửa công suất và phải đóng cửa trước 20 giờ.
Các địa điểm công cộng như khu mua sắm, bãi đỗ xe và các địa điểm cầu nguyện được yêu cầu đóng cửa, các cửa hàng ăn uống chỉ bán mang về. Lệnh phong tỏa một phần đã được mở rộng ra 15 khu vực bên ngoài Java và Bali từ 12/7.
Trong khi đó, Malaysia sẽ đẩy mạnh các biện pháp hạn chế trước thềm lễ Hari Raya Haji vào ngày 20/7 để tránh sự bùng phát các cụm ca mắc COVID-19 như đã từng xảy ra dịp Hari Raya Aidilfitri hồi tháng 5 khiến số ca mắc COVID-19 trung bình hiện nay lên tới mức hơn 10.000ca/ngày.
Do lưu lượng giao thông trên các tuyến đường cao tốc gia tăng đáng kể từ hôm 16/7, cảnh sát đã phải tăng cường kiểm soát tại các chốt kiểm tra. Cảnh sát Indonesia cho biết lực lượng này sẽ không chấp nhận thư miễn trừ vốn thường cấp cho các cá nhân trong một số lĩnh vực nhất định được phép đi lại liên bang vì lý do công việc.
“Để tránh tình trạng các bên lạm dụng giấy phép, tất cả các chốt chặn ở biên giới các bang đã được lệnh không chấp nhận giấy phép này cho việc đi lại liên bang”, quan chức cảnh sát Malaysia Acryl Sani Abdullah cho biết trong một tuyên bố ngày 18/7.
Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 18/7 cho biết, “hàng trăm nghìn người đi giữa các bang với các lý do khác nhau, trong đó có cả việc sử dụng giấy phép vì lý do công việc” trong dịp Aidilfitri đã dẫn tới 36 cụm ca COVID-19.
Các nghi lễ cúng tế nhân lễ Tế thần Hari Raya Haji của người Hồi giáo sẽ bị hạn chế chỉ ở các địa điểm cầu nguyện và các khu vực đã được phê duyệt từ trước, các buổi tiệc truyền thống sau các nghi thức sẽ bị cấm.
Hiện 20% số người trưởng thành ở Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ Malaysia có kế hoạch tăng cường tiêm chủng lên 500.000 mũi/ngày từ mức trên 400.000 hiện nay để đến cuối tháng 10, toàn bộ số người trưởng thành sẽ được tiêm chủng đầy đủ.
Giới chức Malaysia khẳng định, nước này chỉ có thể dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc trung bình hàng ngày dưới 500 và 60% dân số 33 triệu người đã được tiêm chủng.
Liên quan tới dịp lễ Hari Raya Haji, các biện pháp đề phòng tương tự cũng được thực hiện ở Indonesia. Lực lượng ứng phó COVID-19 đã khuyến cáo người dân ở các khu vực áp phong tỏa, các khu vực có nguy cơ cao và vừa trên khắp cả nước nên cầu nguyện tại nhà nhân dịp lễ Hari Raya Haji và không nên di chuyển.
Ở Singapore, chính phủ kêu gọi cộng đồng Hồi giáo tuân thủ các biện pháp an toàn chống dịch COVID-19 trong các lễ hội để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo VOV