Dịch COVID-19: Tổng thống Mỹ cảnh báo chặng đường phía trước còn dài

Thứ tư - 21/07/2021 00:48
Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi những thành tích mà nước này đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, dù thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng

* Biến thể Delta chiếm 83% số ca được giải trình tự gene tại Mỹ

 

Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi những thành tích mà nước này đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, dù thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại cuộc họp nội các trực tiếp đầu tiên đánh dấu 6 tháng đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Biden khẳng định trọng tâm của chính quyền hiện nay là thuyết phục người dân đi tiêm chủng vắc xin COVID-19.

 

Tổng thống Biden cho biết số ca tử vong do dịch đã giảm "đáng kể" kể từ khi ông nhậm chức, đồng thời ca ngợi những tiến triển đạt được của chương trình tiêm chủng của chính quyền được hình thành từ chiến dịch thần tốc "Warp Speed" của cựu Tổng thống Trump cũng như việc mở rộng khả năng tiếp cận vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cho rằng cần phải luôn cảnh giác, đặc biệt với những biến thể như Delta.

 

Hiện hầu hết số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19 đang gia tăng chủ yếu là những người chưa được tiêm chủng vắc xin. Chính vì vậy, Tổng thống Biden khẳng định "điều đó có nghĩa là điều an toàn nhất cần làm là tiêm phòng".

 

Tại cuộc họp với sự tham gia của Phó Tổng thống Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và các thành viên nội các, Tổng thống Biden cũng đề cập tới sự phục hồi kinh tế và nỗ lực trong việc củng cố các liên minh của Mỹ.

 

Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận thông tin một quan chức trong chính quyền có xét nghiệm dương tính dù đã được tiêm vắc xin chủng COVID-19. Tuy nhiên, quan chức này không có tiếp xúc với Tổng thống Joe Biden hoặc các nhân viên cấp cao khác. Ngoài ra, bà Psaki cũng cho biết đã có các trường hợp như vậy tại Nhà Trắng.

 

Trước đó, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng xác nhận một trong những người phát ngôn cấp cao của bà đã có xét nghiệm dương tính sau khi gặp các nhà lập pháp bang Texas tại Capitol Hill.

 

Trong thời gian gần đây, các trường hợp mắc mới COVID-19 tại Mỹ đã gia tăng khi biến thể Delta lan rộng, nhất là tại các bang có tỉ lệ người dân tiêm chủng vắc xin thấp.

 

Hiện toàn bộ 50 bang và thủ đô Washington D.C. đều ghi nhận các trường hợp mắc biến thể Delta, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác.

 

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dù các chuyên gia nhấn mạnh vắc xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất và cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống biến thể, nhưng tại một số bang, tỉ lệ người dân tiêm chủng vắc xin vẫn ở mức thấp.

 

Khu vực ở miền Nam, Tây Nam và một phần của Trung Tây đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới COVID-19. Đặc biệt là bang Florida - chiếm khoảng 17% tổng số ca mắc mới ở Mỹ.

 

Ngày 20/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, TS Rochelle Walensky cho biết số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ, TS Walensky nhấn mạnh đây là mức tăng đáng kể so với tỉ lệ 50% ghi nhận hôm 3/7 vừa qua.

 

Bà Walensky cho hay số ca nhiễm biến thể Delta thậm chí còn cao hơn tại một số khu vực ở Mỹ có tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 thấp.

 

Bà khẳng định: "Biện pháp tối ưu để ngăn ngừa sự lây lan biến thể COVID-19 là ngăn chặn sự lây bệnh và tiêm chủng vắc xin là công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có. Chúng ta cần phải tiếp tục 'phủ sóng' vắc xin bằng cách xây dựng niềm tin vào các loại vắc xin phòng COVID-19".

 

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua tại 47/50 bang của Mỹ cao hơn ít nhất 10% so với tuần trước đó. Trong số đó, 35 bang đã ghi nhận mức tăng số ca nhiễm hơn 50%.

 

Dữ liệu gần đây nhất từ Israel đánh giá hiệu quả của vắc xin của Pfizer chống lại biến thể Delta cho thấy vắc xin này có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng là 64% và có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và các ca nhập viện.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp