Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng

Thứ ba - 20/07/2021 09:47
Ngày 20/7, Nội các Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm hai tháng cho tới cuối tháng 9 nhằm ứng phó với tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng

Ngày 20/7, Nội các Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm hai tháng cho tới cuối tháng 9 nhằm ứng phó với tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

 

Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết việc gia hạn từ ngày 1/8 đến ngày 30/9 là theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), đơn vị phụ trách các hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của chính phủ.

 

Theo bà Traisuree, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh chóng và tích hợp các biện pháp kiểm soát COVID-19 vì lợi ích an toàn cộng đồng. Quyết định này là để ứng phó với việc hàng nghìn ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận hàng ngày ở vùng Bangkok mở rộng.

 

Quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mới cùng 80 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận có nhiều ca mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 ca tử vong trong 24 giờ qua.

 

Cục Kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan đã ký hợp đồng với Pfizer/BioNTech để mua 20 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19. Vắcxin của Pfizer-BioNTech được đăng ký với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) từ ngày 24/6 và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay.

 

Đến nay, Thái Lan đã tiêm vắcxin cho 14,55 triệu người, trong đó 11,07 triệu người được tiêm mũi một và 3,48 triệu người được tiêm mũi hai. Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan thông báo ba loại vắcxin ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm tới.

 

Về tình hình dịch bệnh, quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mắc mới cùng 80 trường hợp tử vong, đưa tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận chiếm nhiều số ca mắc mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

 

Thái Lan hiện còn 126.765 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 3.711 bệnh nhân nặng, kể cả 855 người phải phụ thuộc vào máy thở.

 

Theo Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia, ngày 20/7 quốc gia này đã ghi nhận 1.280 ca tử vong do COVID-19, mức cao thứ hai trong ngày sau kỷ lục 1.338 ca được thiết lập vào ngày 19/7.

 

Indonesia cũng nghi nhận 38.325 ca mới mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, cao hơn mức 34.257 ca của ngày 19/7, trong bối cảnh tiến độ xét nghiệm được đẩy nhanh hơn với 179.275 mẫu bệnh phẩm của 114.674 người được kiểm tra trong ngày.

 

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2.950.058 ca mắc và 76.200 ca tử vong do COVID-19. Hiện quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn hơn nửa triệu bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.

 

Trong diễn biến khác, nghiên cứu của Trung tâm phát triển toàn cầu (Mỹ) ước tính số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Ấn Độ có thể cao gấp 10 lần so với con số gần 415.000 người mà nhà chức trách nước này thông báo.

 

Để đưa ra được con số trên, Trung tâm phát triển toàn cầu đã phân tích dữ liệu ghi được tại Ấn Độ kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới tháng Sáu vừa qua. Kết quả cho thấy có từ 3,4-4,7 triệu người tại Ấn Độ đã không qua khỏi do COVID-19.

 

Các nhà nghiên cứu của trung tâm khẳng định số ca tử vong thực tế tại Ấn Độ lên tới hàng triệu, không phải hàng trăm nghìn người và đây có thể là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất của quốc gia Nam Á này.

Trong tháng này, ông Christophe Guilmoto, một chuyên gia về nhân khẩu học Ấn Độ thuộc Viện nghiên cứu phát triển (Pháp), ước tính số ca tử vong của Ấn Độ tính tới cuối tháng Năm lên tới gần 2,2 triệu người. Theo ông, tỉ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại Ấn Độ chiếm gần 50% trung bình toàn thế giới. Mô hình của Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (Mỹ) cũng cho rằng số người tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lên tới hơn 1,25 triệu người.

 

Trong khi đó, dù tỉ lệ xét nghiệm của Hàn Quốc giảm trong bối cảnh nắng nóng, song số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua vẫn ở mức trên 1.200 ca và đây là ngày thứ hai liên tiếp, số ca mắc mới ở Hàn Quốc ở mức trên 1.200 ca.

 

Cụ thể, Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 1.278 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.242 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 180.481 ca. Trong hai tuần qua, số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc liên tục ở mức trên 1.000 ca.

 

Nhà chức trách Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Riêng trong tuần trước, nước này ghi nhận thêm 1.252 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có tới 951 ca nhiễm biến thể Delta. Tính đến nay, số ca nhiễm biến thể tại Hàn Quốc đã vượt mốc 4.600 ca lên mức 4.605 ca.

 

Ngày 20/7, Bộ Y tế Iran cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đã có hiệu lực tại thủ đô Tehran. Trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 27.444 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.576.148 ca. Iran cũng ghi nhận thêm 250 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi do dịch bệnh này lên 87.624 ca.

 

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Iran đã yêu cầu các văn phòng chính phủ và ngân hàng tại tỉnh Tehran và Alborz đóng cửa trong sáu ngày, kể từ tối 19/7 (theo giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên Iran thực thi biện pháp hạn chế trên kể từ đại dịch bùng phát tại quốc gia Hồi giáo này.

 

Các nhà chức trách Iran còn cấm di chuyển bằng đường bộ đi và đến từ hai tỉnh trên, đồng thời yêu cầu đóng cửa các doanh nghiệp có nguy cơ cao tại các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch COVID-19.

 

Theo AFP, hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ ngày 20/7 cho biết Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn đầy đủ thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.

 

Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn ba, theo đó hỗn hợp kháng thể giúp giảm đáng kể khả năng các bệnh nhân COVID-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong.

 

Thuốc Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phê chuẩn loại thuốc này.

 

Giám đốc phát triển sản phẩm của Roche, ông Levi Garraway, khẳng định: “Khả năng duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus, bao gồm biến thể Delta, đã được chứng minh trong các thử nghiệm tiền lâm sàng”. Theo hãng dược Roche, thử nghiệm giai đoạn ba thuốc Ronapreve cho thấy tỉ lệ phải nhập viện và tử vong của các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Ronapreve giảm tới 70%.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp