Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 sáng 2/1, thế giới đã ghi nhận hơn 84 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong đã lên tới 1.834.519 ca.
Số ca nhiễm tại Mỹ - nước bị ảnh hưởng nhất thế giới - hiện chiếm 1/4 tổng số ca trên thế giới (20.617.346 ca), trong khi hơn 1/5 số ca tử vong được ghi nhận tại Mỹ (356.445 ca).
Với số ca nhiễm bằng một nửa của Mỹ (hơn 10 triệu ca), Ấn Độ hiện đang đứng thứ hai. Brazil đứng thứ 3 về số ca nhiễm với hơn 7,7 triệu ca nhưng đứng thứ 2 về số ca tử vong với 195.441 ca, trong khi của Ấn Độ là 149.205 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có tới 23.870.517 ca nhiễm và 547.499 ca tử vong, trong khi Bắc Mỹ đứng thứ hai với 23.619.487 ca nhiễm và 517.528 ca tử vong. Châu Á đứng thứ 3 với 20.757.124 ca nhiễm và 338.426 ca tử vong.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hơn 3,1 triệu ca) nhưng Italy hiện ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (74.621 ca). Pháp đứng thứ hai về số ca nhiễm (2.639.773 ca) nhưng Anh đứng thứ hai về số ca tử vong (74.125 ca).
Các nước Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan và Ukraine đều đã có hơn 1 triệu ca nhiễm trong khi Hà Lan, Cộng hòa Séc, Bỉ và Romania đều ghi nhận hơn 600.000 ca.
Theo số liệu mới nhất, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đã lây lan sang châu Á, khiến gần 30 bệnh nhân nhiễm ở Ấn Độ. Biến thể này đã được phát hiện hồi cuối tháng 12/2020 tại Anh và có tỷ lệ lây lan cao hơn 70% so với chủng gốc.
Tại châu Á, ngoài Ấn Độ đứng đầu, vượt xa về số ca nhiễm và tử vong, Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 2,2 triệu ca nhiễm trong khi Iran ghi nhận hơn 1,2 triệu ca.
Nếu không tính Ấn Độ, Iran là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 55.337 ca. Các nước Indonesia, Iraq, Bangladesh đã ghi nhận trên 500.000 ca nhiễm trong khi Pakistan, Philippines và Israel trên 420.000 ca.
Tại Bắc Mỹ, ngoài Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, Mexico đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 125.000 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Canada bằng 1/2 tại Mexico (582.697 ca) nhưng số ca tử vong chỉ gần bằng 1/8 (15.606 ca).
Tại Nam Mỹ, 3 nước Colombia, Argentina và Peru đều đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm và hơn 37.000 ca tử vong. Đây là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực nếu không tính Brazil.
Châu Phi hiện ghi nhận 2,8 triệu ca nhiễm và hơn 66.000 ca tử vong, trong đó một nửa số ca nhiễm và gần 1/2 số ca tử vong ở Nam Phi. Maroc có hơn 440.000 ca nhiễm và 7.425 ca tử vong, trong khi Tunisia, Ai cập, Ethiopia và Libya đều đã ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong.
Hiện châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất của dịch, ghi nhận tổng cộng 48.410 ca nhiễm và 1.059 ca tử vong.
* Chuyên gia Ai Cập cho biết hiện tại nước này đang xuất hiện 4 chủng virus SARS-CoV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Trưởng khoa lồng ngực của Bệnh viện Qasr al-Ainy thuộc Đại học Tổng hợp Cairo - ông Ayman al-Sayed Salem, cho hay sốt không còn là triệu chứng cơ bản nhất của người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thay vào đó là hiện tượng mệt mỏi và suy nhược cơ thể cùng với các triệu chứng về hô hấp.
Ông Salem cho rằng kích thước của virus SARS-CoV-2 là yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng và phức tạp của các triệu chứng. Ông cũng cho biết virus SARS-CoV-2 hiện có khoảng 7 chủng, trong đó chủng cuối cùng gần giống với cúm nhất.
Theo ông Salem, dựa trên các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mắc COVID-19 và khuyến cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các triệu chứng xuất hiện trong đợt dịch COVID-19 thứ hai bao gồm tâm trạng bất ổn, mệt mỏi và suy nhược nghiêm trọng cũng như các triệu chứng về hô hấp.
Ông Salem cho biết thêm nhiễm trùng thường không đi kèm với chứng mất ngủ và trên thực tế COVID-19 có nhiều khả năng gây kiệt sức, từ đó làm tăng cơn buồn ngủ của người bệnh.
Ông cảnh báo căn bệnh này thậm chí có thể không đi kèm với sự gia tăng nhiệt độ như thường thấy trong đợt dịch đầu tiên, vì nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận mà không có triệu chứng sốt.
Bác sĩ Salem khuyến cáo cần tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, ngủ đủ giấc và uống nhiều nước. Ông giải thích rằng trọng tâm của việc điều trị COVID-19 là sử dụng huyết tương, kháng thể cũng như các loại thuốc chống viêm.
Theo số liệu thống kê tính đến nay, Ai Cập ghi nhận tổng cộng 138.062 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.631 ca tử vong.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)