Làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai bùng phát mạnh tại Canada

Thứ sáu - 01/01/2021 05:18
Canada đã có thêm khoảng 8.400 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày cuối cùng của năm 2020

* WHO cấp phép lưu hành khẩn cấp vắcxin của Pfizer-BioNTech

 

Canada đã có thêm khoảng 8.400 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày cuối cùng của năm 2020, trong bối cảnh hai tỉnh Ontario và Quebec đều chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao chưa từng có trong một ngày. 

 

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, tính trên toàn quốc, Canada hiện có hơn 579.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, với khoảng 15.600 ca tử vong.

 

Năm 2020 cũng kết thúc với một quy định đi lại mới vừa được Chính phủ Canada thông báo, theo đó yêu cầu hành khách đi máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi nhập cảnh Canada. Quy định này có hiệu lực từ ngày 7/1/2021.

 

Xét nghiệm COVID-19 phải được thực hiện bằng kỹ thuật PCR trong vòng 72 giờ trước khi khách khởi hành đến Canada. Khách nhập cảnh Canada vẫn phải tuân thủ quy trình cách ly 14 ngày. Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, Theresa Tam bày tỏ lo ngại về việc người dân Canada vẫn đang thực hiện các chuyến đi không thiết yếu.

 

Bộ trưởng Tài chính của Ontario, Rod Phillips ngày 31/12 đã từ chức sau khi đi nghỉ ở Caribe, một hành động đi ngược với khuyến cáo của tỉnh Ontario kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết.

 

Ngày 31/12, Ontario có thêm 3.328 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ đầu dịch tại tỉnh đông dân nhất Canada này.

 

Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Quebec cũng đã vượt 200.000 ca sau khi tỉnh này ghi nhận thêm 2.819 ca nhiễm mới. Đây cũng là ngày Quebec ghi nhận số ca nhiễm mới cao từng có trong một ngày.

 

* Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép lưu hành khẩn cấp vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 do các công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế, mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng phê duyệt nhập khẩu và phân phối loại vắcxin này.

 

WHO nêu rõ, vắcxin của Pfizer/BioNTech là loại vắcxin đầu tiên được tổ chức này phê chuẩn lưu hành khẩn cấp kể từ khi các ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc một năm trước đây.

 

Quan chức hàng đầu của WHO phụ trách việc bảo đảm tiếp cận vắcxin, bà Mariangela Simao cho rằng đây là bước đi rất tích cực nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19. Tuy nhiên, bà Simao nhấn mạnh toàn thế giới vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có đủ nguồn cung vắcxin đáp ứng nhu cầu của những nhóm người được ưu tiên ở khắp mọi nơi. 

 

WHO cho biết việc phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ mở đường cho các cơ quan quản lý ở các nước phê duyệt việc nhập khẩu và phân phối vắcxin. Quyết định này cũng tạo điều kiện cho các tổ chức đóng vai trò hậu cần quan trọng trong phân phối vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hay Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO).

 

WHO đã triệu tập các chuyên gia của tổ chức này và những chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới để đánh giá tính "an toàn, hiệu quả và chất lượng", đồng thời cân nhắc lợi ích và rủi ro của sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech. Các chuyên gia xác định vắcxin Pfizer/BioNTech đáp ứng tiêu chí bắt buộc về an toàn và hiệu quả theo quy định của WHO, trong khi lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội những rủi ro tiềm tàng.

 

Ngày 8/12 vừa qua, Anh đã bắt đầu cho tiêm chủng vắcxin Pfizer/BioNTech trên diện rộng, sau đó là Mỹ, Canada và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp