Truyền thông Mỹ nhận định 2020 dường như là năm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ với những biến động mạnh trong đời sống xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nạn tội phạm và thiên tai gia tăng.
Đến nay, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất trên thế giới với 19.977.704 ca mắc COVID-19. Gần đây, mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm khoảng 250.000 người nhiễm mới. Hơn 346.000 người ở Mỹ đã tử vong do dịch bệnh COVID-19.
TP New York trở thành một trong những tâm dịch lớn của thế giới khiến hơn 37.000 người tử vong đến thời điểm này.
Đại dịch COVID-19 gây ra những thiệt hại khôn lường cho nền kinh tế lớn nhất thế giới khi hàng triệu người mất việc làm, thu nhập giảm sút, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tỉ lệ thất nghiệp tăng lên mức 14,7% trong tháng 4 năm nay sau khi nhà chức trách áp đặt lệnh đóng cửa các doanh nghiệp để ngăn dịch bệnh lây lan.
Mặc dù tỉ lệ này giảm xuống 6,7% trong tháng 11 vừa qua, nhưng dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước cho thấy trung bình mỗi tuần có hơn 800.000 người mất việc, cao hơn mức tồi tệ nhất trong một tuần vào thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2010.
Các lĩnh vực kinh tế, giải trí và khách sạn bị ảnh hưởng nặng nhất do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng để phòng dịch. Nhà nhân khẩu học Cheryl Russell cho biết gần 50% số công việc liên quan đến du lịch ở Hawaii đã mất, trong khi 49 bang và Thủ đô Wasinhton đã chứng kiến lĩnh vực giải trí và khách sạn giảm mạnh về doanh số.
Theo Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, hơn 16% số nhà hàng ở Mỹ đóng cửa lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn. Khoảng 110.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng thua lỗ trong mùa dịch.
Những tổn thất kinh doanh đó giáng thêm "một đòn" vào các gia đình có thu nhập thấp, vốn đang phải vật lộn để kiếm sống ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Kể từ tháng 3 năm nay, gần 8 triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói, đảo ngược xu hướng giảm tỉ lệ nghèo trong nhiều năm.
Trên khắp nước Mỹ, tội phạm bạo lực gia tăng. Sau nhiều năm tỉ lệ tội phạm giảm, tỉ lệ tội phạm đang ở mức cao nhất tại cả các thành phố lớn và nhỏ. Riêng tại TP New York ghi nhận 447 vụ giết người từ đầu năm đến nay, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát của TP New York, Dermot F. Shea ngày 29/12 thừa nhận chưa bao giờ tình hình tại đây lại tồi tệ đến vậy, cho rằng đại dịch và các vụ biểu tình bao loạn là nguyên nhân khiến số vụ án giết người gia tăng. Tuy nhiên, những vụ trộm ở các nơi công cộng như tàu điện ngầm lại giảm do người dân hạn chế ra ngoài, trong khi những vụ xả súng, cướp bóc ở các cửa hàng tiện ích lại gia tăng.
Khi New York bị phong tỏa hồi mùa hè vì đại dịch, số vụ xả súng tăng gấp đôi và nhà chức trách xác định nguyên nhân phần lớn là do căng thẳng vì tình trạng đại dịch và hàng loạt người mất việc.
Tuy nhiên, số vụ tội phạm xảy ra ở New York trong năm vừa qua vẫn ít hơn nhiều so với thời kỳ những năm 1990 khi mà thành phố ghi nhận hơn 2.000 vụ giết người mỗi năm. Trên thực tế, tình hình an ninh tại New York đã tốt dần lên qua các năm và chỉ xấu đi vào năm 2020 do hệ lụy của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn ra theo hướng tồi tệ hơn trước. Tại miền tây nước Mỹ, những người lính cứu hỏa đã phải vật lộn với một trong những mùa cháy rừng dữ dội nhất được ghi nhận trong lịch sử nước này. Hãng triệu hécta rừng bị thiêu rụi, riêng ở California có gần 4% toàn bộ diện tích bang xảy ra cháy rừng.
Trong diễn biến khác, lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ngày 29/12 đã chặn cuộc bỏ phiếu về việc tăng khoản cứu trợ trực tiếp cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là một động thái thách thức hiếm hoi của ông đối với Tổng thống Donald Trump khi chỉ còn ba tuần nữa là đương kim Tổng thống Mỹ rời Nhà Trắng.
Ông McConnell đã hành động ngay sau khi Tổng thống Trump công kích các lãnh đạo đảng Cộng hòa trên Twitter nhằm tạo áp lực buộc Thượng viện chấp nhận nâng khoản chi cứu trợ cho các cá nhân từ 600 USD lên 2.000 USD.
Sau đó, chính ông McConnell cũng đưa ra một dự luật kết hợp giữa khoản thanh toán lớn hơn với điều khoản về bãi bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty truyền thông xã hội, cũng như một cuộc điều tra kết quả bầu cử tháng 11. Một phụ tá mô tả hành động này là “động thái mang tính thủ tục” để đáp lại yêu cầu của Nhà Trắng.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, nhận định dự luật trên sẽ không bao giờ trở thành luật. Với kỳ nghỉ Tết Dương lịch sẽ bắt đầu vào thứ sáu (1/1) và Quốc hội mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào chủ nhật (3/1), các nhà lập pháp đương nhiệm chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để hành động.
Chứng khoán Mỹ phiên 29/12 đã đi xuống và rời khỏi mức kỷ lục được thiết lập phiên trước đó sau động thái của ông McConnell.
Sau nhiều tháng đàm phán trì trệ, Quốc hội Mỹ đã đồng ý chi thêm cho các chương trình trong gói chi tiêu 900 tỉ USD được thông qua chỉ vài ngày trước khi chúng hết hạn vào ngày 26/12.
Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ phản đối nội dung của gói chi tiêu vì ông cho rằng khoảng thanh toán 600 USD là quá thấp và muốn nâng nó lên mức 2.000 USD. Tuy nhiên, ông Trump vẫn ký thông qua dự luật chi tiêu vào chủ nhật tuần trước (27/12) - một ngày sau khi các chương trình hỗ trợ thất nghiệp hết hiệu lực.
Đảng Dân chủ tin rằng việc nâng khoản thanh toán có thể mang lại lợi thế cho họ trong hai cuộc bầu cử quan trọng ở bang Georgia vào tuần tới. Kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện Mỹ lẫn số phận chương trình nghị sự của ông Joe Biden khi ông nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2021.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)