Trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể VUI-202012/01, kế hoạch đón Năm mới ở nhiều nơi trên thế giới đã được điều chỉnh để người dân được đón mừng năm 2021 mà vẫn khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 28/12, Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian đã công bố một số biện pháp hạn chế mới tại địa phương này trong lễ chào đón Năm mới 2021, theo đó, người dân sẽ không còn được thưởng thức những màn bắn pháo hoa rực rỡ vào đêm Giao thừa 31/12 như mọi năm. Thay vào đó, màn bắn pháo hoa truyền thống - vốn thu hút hàng trăm nghìn người, sẽ được truyền hình trực tiếp hoặc phát trên Internet.
Bà Berejiklian khẳng định lệnh hạn chế nhằm đảm bảo dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ và không có nguy cơ lây lan rộng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, màn bắn pháo hoa đón chào năm mới ở thành phố Sydney vắng bóng khách tham quan. Khu vực Cầu Cảng - một trong những địa điểm ngắm pháo hoa đẹp nhất tại thành phố cùng các địa điểm xem pháo hoa khác sẽ bị đóng cửa cả ngày 31/12, theo quy định của chính quyền bang.
Mặc dù vậy, một số nhà hàng, câu lạc bộ tọa lạc gần khu vực bắn pháo hoa vẫn được phép mở cửa đón khách đã đặt bàn từ trước. Những người này cần có giấy phép của cơ quan chức năng để ra vào các khu vực bị hạn chế. Các hộ gia đình trên khắp Sydney chỉ được phép đón tiếp 10 người cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trước đó, bang NSW đã công bố kế hoạch dành các khu vực xem bắn pháo hoa ưu tiên cho hàng nghìn người ở tuyến đầu chống dịch bệnh. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Chính quyền NSW đưa ra biện pháp trên trong bối cảnh một đợt dịch COVID-19 vừa bùng phát trở lại tại phía Bắc thành phố Sydney khoảng 2 tuần trước và lan rộng ra nhiều điểm khác trong thành phố. Mặc dù tình hình đã được kiểm soát kịp thời, nhưng đến nay mỗi ngày đều ghi nhận được một số ca nhiễm mới.
Tại Nhật Bản - quốc gia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19, không khí đón chào Năm mới cũng khá trầm lắng do tác động của đại dịch. Các đền thờ - vốn được coi là địa điểm linh thiêng được hàng triệu người lui tới vào mỗi dịp Năm mới để cầu bình an, cũng đã lên phương án để hạn chế đám đông.
Trên website của Kanda Myojin - ngôi đền lớn ở thủ đô Tokyo, có công bố các hạn chế và biện pháp phòng dịch trên website, trong đó đề nghị người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế của chính phủ, đồng thời phòng ngừa các tình huống có thể dẫn tới tụ tập đông người. Đền Kanda Myojin là một trong số ít các ngôi đền ở Nhật Bản quyết định mở cửa xuyên Giao thừa năm nay, song ban quản lý ngôi đền này đã đề nghị người dân tránh đến đền vào đúng thời điểm Giao thừa và sáng sớm 1/1.
Do dịch bệnh, số lượng du khách đến thăm ngôi đền nổi tiếng này đã giảm tới khoảng 90% trong tháng 2/2020 - một tháng trước khi chính phủ nước này áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong nửa đầu tháng 6, số lượng du khách đã ít nhiều phục hồi, song số ca nhiễm mới tăng cao trở lại vào mùa Hè đã khiến số lượng du khách tới đền cũng giảm trở lại.
Do người dân bị hạn chế ra ngoài, ban quản lý đền Kanda Myojin đã nghĩ ra cách tiếp cận người dân trực tuyến. Tháng 11 vừa qua, ngôi đền này đã cho ra mắt nền tảng trực tuyến chuyên bán "omamori" - các loại bùa may mắn như bùa hộ mệnh, mà mọi người thường mua khi đến thăm đền.
Trong khi đó, ngôi đền cổ linh thiêng Meiji ở thủ đô Tokyo, vốn thu hút hàng triệu người đến thăm vào dịp đầu năm, đã quyết định đóng cửa trong đêm Giao thừa để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, đền sẽ không đón khách đến làm lễ từ 4 giờ chiều 31/12/2020 đến 6 giờ sáng ngày 1/1/2021. Đây là lần đầu tiên đền Meiji phải đóng cửa trong dịp chào đón Năm mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Với người dân Nhật Bản, thăm đền, chùa là một nghi lễ không thể thiếu trong dịp chào đón Năm mới. Trong 3 ngày đầu tiên của năm mới, hàng triệu người trên khắp cả nước đổ về các ngôi đền, chùa để cầu bình an. Bất chấp cái lạnh của tiết trời giao mùa, hàng dài người xếp hàng kiên nhẫn chờ đợi múc nước rửa tay, thả hoặc ném tiền xu vào hộp dâng lễ và cầu nguyện cho mình cùng người thân trong gia đình một năm mới bình an.
Theo TTXVN/Vietnam+