Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Thế giới có gần 80 triệu ca nhiễm COVID-19

Thứ sáu - 25/12/2020 08:08
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 25/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 79.694.360 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.748.227 ca tử vong.
Thế giới có gần 80 triệu ca nhiễm COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 25/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 79.694.360 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.748.227 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 56.108.622 người.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 336.863 ca tử vong trong tổng số 19.093.319 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 147.128 ca tử vong trong số 10.147.468 ca dương tính với SARS-CoV-2. Brazil đứng thứ 3 với 190.032 ca tử vong trong số 7.424.430 ca nhiễm.

 

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 645.232 ca nhiễm, trong đó châu Âu có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới (hơn 263.000 ca), tiếp sau là Bắc Mỹ (hơn 200.000 ca), Nam Mỹ (hơn 80.000 ca), châu Á (hơn 71.000 ca), châu Phi (26.800 ca) và châu Đại dương (108 ca). Mỹ, Brazil và Anh là 3 nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua, lần lượt ở mức 175.342 ca, 57.753 ca và 39.036 ca.

 

Tại châu Âu, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 24/12, người phát ngôn Cơ quan Y tế bang Baden-Württemberg của Đức xác nhận một phụ nữ ở bang này đã nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện gần đây ở Anh.

 

Theo thông báo, nữ bệnh nhân nói trên đã đi máy bay từ Anh về sân bay Frankfurt/Main hôm 20/12 và sau đó tiếp tục trở về bang Baden-Württemberg. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện ở Đức.

 

Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Đức Klaus Reinhardt đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc ở mức tối đa trong dịp Giáng sinh và Năm Mới nhằm kiềm chế tình trạng lây lan của dịch bệnh. Ông Reinhardt cho rằng mỗi người đều có thể góp phần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế nước này sẽ bị quá tải khi Đức phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba nghiêm trọng hơn.

 

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc tích cực, ông Uwe Janssens cũng cảnh báo nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ ba xảy ra ở Đức vào tháng 1/2021 nếu người dân không giảm mạnh hoạt động tiếp xúc trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới.

 

Trong khi đó, Brazil thông báo sẽ cấm các chuyến bay từ Anh, bắt đầu từ ngày 25/12 sau khi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở nước này.  Theo sắc lệnh công bố ngày 24/12, các chuyến bay quốc tế tới Brazil có khởi hành hoặc quá cảnh ở Vương quốc Anh và vùng lãnh thổ Bắc Ireland tạm thời bị cấm hạ cánh ở Brazil. Người nước ngoài ở Anh trong 14 ngày qua cũng bị cấm nhập cảnh vào Brazil.

 

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong thông báo một biến thể mới của virus SARS-CoV-2  gây bệnh COVID-19 dường như đã xuất hiện ở Nigeria. Thông tin trên được đưa ra sau khi Anh và Nam Phi đều thông báo về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nhanh hơn, khiến nhiều nước ban hành các biện pháp hạn chế đi lại mới và gây ra tình trạng rối loạn trên nhiều thị trường.

 

Tại châu Á, Hàn Quốc trong 24 giờ qua có 1.241 ca nhiễm mới - số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đích thân công bố thông tin trên, qua đó bày tỏ tình hình dịch bệnh COVID-19 đáng quan ngại tại nước này.

 

Trung Quốc đại lục sáng 25/12 thông báo có 14 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ghi nhận tại tỉnh Liêu Ninh.

 

Ngày 24/12, Israel thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 27/12. Đây là lệnh phong tỏa thứ ba ở Israel nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, chỉ vài ngày sau khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng bệnh.

 

Theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ được áp đặt từ 17 giờ (giờ địa phương) ngày 27/12 và kéo dài trong 2 tuần. Israel có thể sẽ kéo dài lệnh phong tỏa này thêm 2 tuần nếu số ca nhiễm mới giảm dưới 1.000 ca/ngày. Theo đó, người dân Israel sẽ không được phép đi xa nhà quá 1km và các cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa, trừ hoạt động giao hàng.

 

Đến thời điểm hiện tại, Israel với 9 triệu dân, đã ghi nhận 385.022 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.150 ca tử vong.

 

Trong khi đó, tại châu Âu, Cộng hòa Czech nằm trong số những quốc gia đầu tiên tiến hành chương trình tiêm phòng COVID-19. Thủ tướng Czech Ana Brnabic đã tiêm vắcxin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức sản xuất, nhằm làm tăng lòng tin của người dân vào vắcxin.

 

Một vài bác sĩ hàng đầu và quan chức cấp cao khác của Czech cũng được tiêm loại vắcxin này. Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vào ngày 27/12 tới. Theo kế hoạch, Czech cũng sẽ sử dụng vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc và vắcxin Sputnik V của Nga.

 

Giới chức Czech cho biết chương trình tiêm chủng đại trà sẽ được thực hiện vào giữa tháng 1/2021 với đối tượng ưu tiên là người cao tuổi, nhân viên y tế và lực lượng an ninh. Dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.800 người ở nước này.

 

Tại khu vực Trung Đông, Kuwait đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 và Thủ tướng nước này Sheikh Sabah Al-Khalid Al-Sabah là người đầu tiên được tiêm vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech.

 

Ông cho biết loại vắcxin này an toàn và đã được nhiều nước cấp phép sử dụng. Kuwait đã tiến hành chương trình tiêm chủng hàng loạt sau khi tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên gồm 150.000 liều một ngày trước đó.

 

Tại Mỹ Latin, Chile và Costa Rica theo kế hoạch sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vào ngày 24/12. Như vậy, hai nước này cùng với Mexico sẽ là những nước đầu tiên ở Mỹ Latin tiến hành chương trình tiêm chủng hàng loạt phòng ngừa bệnh COVID-19.

 

Tại Chile, chuyến bay chở 10.000 liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech đã tới sân bay Santiago vào sáng 24/12. Các nhân viên y tế đến từ 4 vùng của Chile sẽ là những đối tượng ưu tiên được tiêm vắcxin này trong ngày 24/12.

 

Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho biết nước này bảo đảm được 30 triệu liều vắcxin của 3 hãng sản xuất, đủ để tiêm cho 15 triệu dân, chiếm hơn 2/3 dân số nước này trong 6 tháng đầu năm 2021.

 

Trong khi đó, Costa Rica đã tiếp nhận lô đầu tiên gồm 9.750 liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech vào chiều 23/12 và sẽ tiến hành tiêm chủng từ ngày 24/12. Còn Argentina dự kiến sẽ tiếp nhận 25 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga trong ngày 24/12.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp