WHO cảnh báo sẽ có thêm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Thứ ba - 29/12/2020 02:13
Sputnik đưa tin, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục có biến thể mới vì đây là một quá trình tự nhiên.

Sputnik đưa tin, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục có biến thể mới vì đây là một quá trình tự nhiên.

 

Nhận định này được Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra gần đây. Bà Kerkhove cho biết: "Chúng tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu những biến thể này, cụ thể là về phương diện lây truyền của chúng”.

 

Bà nói thêm rằng WHO sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và phối hợp hành động nghiên cứu với các nhà khoa học trên khắp thế giới.

 

Về phần mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán vào năm 2021 thế giới sẽ còn chứng kiến sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời kêu gọi các quốc gia kịp thời chia sẻ thông tin về những chủng virus mới.

 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hy vọng rằng đại dịch COVID-19 có thể giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa trong tương lai. Ông cũng hoan nghênh những nỗ lực hợp tác của các nhà khoa từ khắp nơi trên thế giới trong việc chấm dứt đại dịch.

 

Về hai biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Anh và Nam Phi, ông Ghebreyesus nêu rõ WHO đang làm việc với các nhà khoa học của hai nước để đề ra các bước đi tiếp theo.

 

Ông cũng đánh giá cao việc hai nước xét nghiệm và theo dõi biến thể mới. Trong bối cảnh đã có 50 quốc gia áp đặt hạn chế đi lại với Anh, ông cho rằng các nước không nên áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt với những quốc gia chia sẻ minh bạch kết quả nghiên cứu, bởi chỉ có xét nghiệm hiệu quả mới giúp phát hiện biến thể và điều chỉnh chiến lược ứng phó phù hợp.

 

Cùng ngày 28/12, Tổ WHO cảnh báo dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn cầu, song nguy cơ tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước, theo đó hối thúc thế giới cần nghiêm túc chuẩn bị ứng phó.

 

Phát biểu với báo giới nhân một năm kể từ khi WHO lần đầu tiên biết về chủng virus mới lây lan ở Trung Quốc, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh "đây là lời kêu gọi cảnh tỉnh”.

 

Theo ông Ryan, đại dịch đang hoành hành rất nghiêm trọng, lan nhanh ra thế giới và ảnh hưởng tới mọi khu vực, nhưng chưa hẳn là một dịch lớn, tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các dịch bệnh khác, do đó, thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khả năng xảy ra dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.

 

Trong khi đó, cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cũng cho rằng dù đang đạt được tiến bộ khoa học lớn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, bao gồm việc nhanh chóng bào chế vắcxin, song thế giới vẫn chưa thực sự chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

 

Theo ông, dù nhiều nơi đã bước vào làn sóng thứ 2 và thứ 3 của dịch COVID-19, song thế giới chưa sẵn sàng giải quyết tình trạng này. Chính vì vậy, các nước cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó không chỉ trong làn sóng dịch bệnh hiện nay, mà còn những dịch bệnh tiếp theo.

 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 29/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 81.651.939 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.7801.850 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 57.732.324 người.

 

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 19.772.255 ca nhiễm và 343.072 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 10.224.797 ca nhiễm và 148.190 ca tử vong, Brazil với 7.506.890 ca nhiễm và 191.641 ca tử vong.

 

Tại châu Âu, giới chức Đức ngày 28/12 thông báo một mẫu bệnh phẩm lấy từ tháng 11 của một bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã xác nhận sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2  là VUI-202012/01 đang lây lan tại Anh.

 

Mới đây, bang Baden-Württemberg cũng đã thông báo một trường hợp nhiễm biến thể mới sau khi trở về từ Anh. Theo thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 28/12, kể từ đầu dịch tới nay, Đức đã ghi nhận trên 30.000 ca tử vong do đại dịch COVID-19, trong khi số ca nhiễm vượt 1.663.000 người.

 

Ngày 28/12, Cơ quan thống kê của Liên bang Nga - Rosstat, cho biết hơn 186.000 người tại nước này đã tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, số liệu lớn hớn nhiều so với thông báo trước đó cùng ngày.

 

Theo Rosstat, số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân được ghi nhận từ tháng 1-11/2020 đã tăng 229.700 ca so với năm trước, trong đó 81% số ca tử vong trong thời kỳ này có thể quy cho COVID-19. Điều này có nghĩa là khoảng 186.000 người Nga đã tử vong do SARS-CoV-2.

 

Trước đó, sáng 28/12, Liên bang Nga thông báo đã ghi nhận thêm 27.787 người mắc COVID-19 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 3.078.035 người.

 

Cũng theo thông báo này, 24 giờ qua tại Nga có 487 trường hợp tử vong, nâng tổng số người tử vong tính đến 28/12 lên 55.265 người, đồng thời có thêm 20.480 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện lên 2.471.309 người.

 

Cũng trong ngày 28/12, Trung tâm đối phó với đại dịch COVID-19 của Nga cho biết nước này đã kéo dài lệnh ngừng hoạt động vận tải hàng không với Vương quốc Anh cho đến hết ngày 12/1. Thông báo viết: "Trung tâm đã quyết định kéo dài thời hạn tạm ngừng hoạt động hàng không với Vương quốc Anh. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, các hạn chế được gia hạn đến 23 giờ 59 đêm 12/1/2021”.

 

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã xác nhận xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Nam Phi. Thông báo này được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 28/12 bắt đầu cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài không cư trú tại nước này sau khi biến thể virus liên quan Anh xuất hiện tại Nhật Bản.

 

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Hata Yuichiro của Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập vừa tử vong vì virus SARS-CoV-2. Đây là nghị sĩ đầu tiên ở Nhật Bản bị tử vong vì virus nguy hiểm này.

 

Theo Tổng Thư ký CDPJ Fukuyama Tetsuro, ông Hata đã nghỉ tại nhà ở thủ đô Tokyo trong các ngày 25 và 26/12 sau khi bị sốt 38,6 độ vào tối 24/12.

 

Chiều 27/12, ông Hata đã được thư ký đưa tới bệnh viện bằng ôtô để tiến hành xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Chính trị gia này đã bị bất tỉnh sau khi nói với viên thư ký này rằng có vẻ như ông bị viêm phổi.

 

Sau đó, ông Hata đã được xe cứu thương chở đi cấp cứu nhưng được xác nhận là đã chết trước khi tới Bệnh viện Đại học Tokyo. Kết quả khám nghiệm tử thi do Phòng Khám nghiệm Y khoa Tokyo thực hiện cho thấy ông Hata đã tử vong vì virus SARS-CoV-2. Ông Hata có một số bệnh nền, trong đó có bệnh tiểu đường.

 

Tại châu Phi, nhà chức trách Nam Phi vừa tuyên bố áp dụng trở lại lệnh phong tỏa cấp độ 3 trên quy mô toàn quốc bắt đầu từ 0 giờ ngày 29/12 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Tính đến hết ngày 28/12, Nam Phi ghi nhận 1.011.871 ca mắc COVID-19 trong đó  27.071 ca tử vong. Nước này hiện có số ca mắc cao nhất châu Phi, bỏ xa các nước đứng sau như Maroc với 440.00 ca và Ai Cập với 131.000 ca.

 

Về tình hình tiêm phòng và phân phối vắcxin, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã tiếp nhận 6.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 của Nga. Hiện chưa rõ Hungary quản lý việc sử dụng loại vắcxin này như thế nào vì theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), vắcxin Sputnik V của Nga phải được Cơ quan Y tế châu Âu cấp phép trước khi có thể được phân phối tại thị trường 27 quốc gia thành viên EU.

 

Tại Đức, sau 2 ngày tiêm vắcxin phòng COVID-19, đến nay đã có trên 18.400 người ở Đức được tiêm phòng vắcxin do công ty BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ hợp tác bào chế, trong đó trên 10.000 người ở các viện dưỡng lão. Dự kiến tới cuối năm sẽ có khoảng 1,3 triệu liều vắcxin được chuyển giao cho các điểm tiêm chủng ở Đức.

 

Trong khi đó, Libăng đang đàm phán để đặt mua gần 2 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech, đủ để tiêm phòng cho 20% dân số của Libăng.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp