Hãng tin ABC News ngày 29/12 đưa tin một nam y tá 45 tuổi ở bang California (Mỹ) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sau khoảng một tuần tiêm vắcxin của Pfizer/BioNTech.
Anh Matthew W., một y tá làm việc tại 2 bệnh viện địa phương khác nhau, đã đăng tải trên mạng xã hội Facebook vào ngày 18/12 với nội dung đã được tiêm vắcxin của Pfizer/BioNTech.
Matthew W. nói với ABC News rằng tác dụng phụ duy nhất mà anh gặp phải sau khi tiêm vắcxin là đau nhức cánh tay.
Sáu ngày sau, vào đêm Giáng sinh, sau khi xong ca trực tại đơn vị điều trị COVID-19, Matthew cảm thấy ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi.
Nam y tá này đã đến một địa điểm xét nghiệm của bệnh viện và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau lễ Giáng sinh.
Ông Christian Ramers, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Sức khỏe gia đình San Diego, đánh giá kịch bản này không nằm ngoài dự đoán. Các thử nghiệm lâm sàng vắcxin cho thấy sẽ mất khoảng 10-14 ngày để bắt đầu phát huy hiệu quả của vắcxin.
Tuy nhiên, để phát huy 95% hiệu quả vắcxin, mọi người cần tiêm đủ 2 liều, mỗi liều cách nhau 21 ngày. Liều đầu tiên sẽ chỉ mang lại khoảng 50% hiệu quả.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các nhà khoa học Mỹ cho rằng hợp chất Polyethylene Glycol (PEG) trong vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có thể gây ra hiện tượng dị ứng ở người tiêm vắcxin.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận được 6 báo cáo về các trường hợp sốc phản vệ tại Mỹ trong số 272.001 liều vắcxin ngừa COVID-19 đã được phân phối tính đến hết ngày 19/12.
Theo tờ Wall Street Journal, PEG “được tìm thấy trong các loại thuốc khác và được cho là sẽ gây ra sốc phản vệ trong một số trường hợp hiếm hoi”. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ông Peter Marks nhấn mạnh dù mới chỉ là suy đoán, song giới khoa học cho rằng thành phần này có trong cả 2 loại vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và của hãng dược Moderna.
Theo ông, hợp chất PEG có thể liên quan đến dị ứng một cách khác thường. Trong khi đó, hãng dược phẩm Pfizer tuyên bố họ “đang theo dõi sát sao tất cả các báo cáo về những trường hợp dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắcxin”.
Ngày 18/12, ông Peter Marks cho biết FDA đang điều tra về khoảng 5 trường hợp dị ứng sau khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Hơn một tuần trước đó, 2 nhân viên y tế ở Anh cũng đã bị dị ứng sau khi tiêm vắcxin do hai hãng này phát triển. Một trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại bang Alaska của Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cam kết sẽ làm mọi cách để đưa chiến dịch ngăn chặn dịch đại dịch COVID-19 đi đúng hướng. Phát biểu sau cuộc họp với các chuyên gia, ông Biden nhấn mạnh cam kết sẽ giải quyết thách thức lớn nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt, theo đó đảm bảo toàn dân được tiêm vắcxin phòng COVID-19. Ông cũng cho rằng chính phủ đương nhiệm có sự chậm trễ trong nỗ lực phòng dịch bệnh và kế hoạch của Tổng thống Donald Trump chủng ngừa cho 20 triệu người dân Mỹ vào cuối năm 2020 đang thụt lùi.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)