Ngày 28/12, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thông báo các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng dược phẩm Novavax đã bắt đầu được triển khai tại Mỹ và Mexico.
Theo đó, các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắcxin NVX-CoV2373 sẽ bao gồm khoảng 30.000 tình nguyện viên trên 18 tuổi. Khoảng 70% số tình nguyện viên sẽ được tiêm vắcxin, trong khi số còn lại được tiêm giả dược.
Mục tiêu của giai đoạn thử nghiệm này là thu hút ít nhất 25% tình nguyện viên từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ và Mexico, cũng như những người có nguy cơ phơi nhiễm cao với COVID-19 hoặc những đối tượng có bệnh lý nền như béo phì và tiểu đường.
Vắcxin NVX-CoV2373 được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 tuần. Loại vắcxin này có thể được bảo quản trong nhiệt độ từ 2 tới 8 độ C - cao hơn so với vắcxin do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế và vắcxin của Moderna (Mỹ), đồng nghĩa có thể dễ dàng vận chuyển và phân phối hơn.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đánh giá việc thử nghiệm ứng cử viên vắcxin phòng COVID-19 của Novavax tại Mỹ phản ánh quyết tâm của chính phủ nhằm đẩy lùi dịch bệnh thông qua việc phát triển các loại vắcxin hiệu quả và an toàn khác nhau.
Đến nay, vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cần có nhiều loại vắcxin để có thể chấm dứt đại dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng hơn 1,7 triệu người trên toàn cầu cho đến nay.
Các vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna được phát triển dựa trên công nghệ mới, gọi là mRNA, để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người. Trong khi đó, NVX-CoV2373 của Novavax là vắcxin protein tái tổ hợp.
Đặc điểm nổi bật nhất của virus corona là các protein bề mặt lồi ra thành các gai và tiếp xúc với các tế bào mà nó lây nhiễm. Các protein này có thể bị hệ miễn dịch phát hiện và phản ứng nếu cơ thể thực sự nhiễm bệnh.
Ngoài Mỹ và Mexico, vắcxin NVX-CoV2373 của Novavax cũng đang được thử nghiệm giai đoạn 3 tại Anh, với 15.000 tình nguyện viên tham gia.
Cùng ngày 28/12, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo đã phân phối 11.445.175 liều vắcxin phòng bệnh COVID-19 cho các địa phương trên khắp nước Mỹ và tới nay đã tiêm chủng tổng cộng 2.127.143 liều vắcxin đầu tiên.
Chương trình tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 trên diện rộng ở toàn bộ 50 bang nước Mỹ bắt đầu thực hiện từ ngày 13/12. Cơ quan trên cho biết đã phân phối hai loại vắcxin COVID-19 trong đợt đầu tiên là vắcxin của Công ty Moderna (Mỹ) và vắcxin do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Trong khi đó, ngày 29/12, tân Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đang hoàn tất các thỏa thuận mua vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh), mỗi loại 50 triệu liều.
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Sadikin nêu rõ thỏa thuận với AstraZeneca sẽ được hoàn thành trước cuối năm nay, trong khi thỏa thuận với Pfizer sẽ được ký vào tuần đầu tiên của tháng 1/2021.
Trong chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, Indonesia ưu tiên 1,3 triệu nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Theo ông Sadikin, đây là lực lượng quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này.
Dự kiến, vắcxin của AstraZeneca sẽ được chuyển đến Indonesia vào quý 2/2021 và vắcxin của Pfizer có mặt vào quý 3.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của Philippines cho biết nước này đã cho phép thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 của Janssen, công ty con của hãng Johnson&Johnson (Mỹ).
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/12, Giám đốc FDA Rolando Enrique Domingo cho hay các cuộc thử nghiệm có thể bắt đầu trong vài tuần tới. Hiện FDA vẫn đang xem xét đề nghị thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vắcxin ngừa COVID-19 của các công ty Sinovac và Clover của Trung Quốc.
Mặc dù đã tham vấn với nhiều nhà sản xuất vắcxin, cho đến nay, Philippines mới chỉ ký một thỏa thuận cung ứng để có được 2,6 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca phát triển.
Nước này có kế hoạch mua 25 triệu liều vắcxin của công ty Sinovac với đơn hàng dự kiến bàn giao vào tháng 3/2021, cũng như đang đặt mục tiêu mua từ 4 triệu đến 25 triệu liều vắcxin của hai công ty Moderna và Arcturus Therapeutics (đều của Mỹ).
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)