Các nước tham gia JCPOA còn lại quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân

Thứ ba - 22/12/2020 05:07
Ngày 21/12, Ngoại trưởng Iran và các nước gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình thực thi Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

* Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đi qua Eo biển Hormuz khi căng thẳng leo thang

 

Ngày 21/12, Ngoại trưởng Iran và các nước gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình thực thi Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015).

 

Ngoại trưởng các nước thành viên JCPOA thảo luận về việc duy trì thỏa thuận hạt nhân này - Ảnh: IRNA

 

Theo hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA, tuyên bố trên được đưa ra sau hội nghị trực tuyến không chính thức của các bên còn lại tham gia JCPOA, do Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chủ trì, với sự tham gia của ngoại trưởng các nước tham gia ký kết thỏa thuận gồm Iran, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Mỹ không tham dự sự kiện do đã rút khỏi JCPOA.

 

Các ngoại trưởng đã khẳng định thỏa thuận hạt nhân, vốn được Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận, vẫn là một yếu tố chủ chốt của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và là một thành quả quan trọng của ngoại giao đa phương, góp phần củng cố an ninh khu vực và quốc tế.

 

Các bên tham gia JCPOA cũng tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và nhấn mạnh những nỗ lực liên quan, đồng thời cho rằng việc các bên thực thi thỏa thuận một cách đầy đủ và hiệu quả vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

 

Tuyên bố cũng khẳng định vai trò quan trọng của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là một tổ chức quốc tế công bằng và độc lập duy nhất được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền giám sát và xác minh tiến trình thực thi các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ của JCPOA. Các ngoại trưởng cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với IAEA.

 

Ngoài ra, Iran và các nước bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA, nhấn mạnh rằng Nghị quyết 2231 vẫn có hiệu lực đầy đủ. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ sớm tham gia trở lại văn kiện này.

 

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ nên quay trở lại JCPOA một cách vô điều kiện và sớm nhất có thể, đồng thời dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Tehran cũng như các thực thể và cá nhân của bên thứ 3. Trên cơ sở Mỹ tham gia trở lại JCPOA, Iran cần khôi phục đầy đủ việc thực thi các cam kết hạt nhân của nước này.

 

Cũng theo Bộ trưởng Vương Nghị, tình hình hạt nhân Iran đang đứng trước thời điểm quan trọng, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng quay trở lại JCPOA. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đưa ra 4 đề xuất liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran gồm: kiên trì bảo vệ thỏa thuận; khuyến khích Mỹ sớm tham gia trở lại JCPOA; giải quyết các bất đồng một cách công bằng và khách quan trong tiến trình thực thi thỏa thuận; xử lý thỏa đáng các vấn đề an ninh khu vực.

 

Trong diễn biến khác, ngày 21/12, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi qua Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải chiến lược nối Iran và bán đảo Ả-rập, giữa những căng thẳng leo thang tại Trung Đông

 

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Mỹ dẫn thông báo của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường USS Georgia cùng hai tàu tuần dương hộ tống USS Port Royal và USS Philippine Sea đã đi qua Eo biển Hormuz. USS Georgia có thể mang 154 tên lửa hành trình Tomahawk và 66 lính đặc nhiệm.

 

Theo Hải quân Mỹ, tàu ngầm USS Georgia là một đơn vị cơ động linh hoạt, có khả năng hỗ trợ các hoạt động thường xuyên và dự phòng. Sự hiện diện của tàu ngầm USS Georgia trong khu vực hoạt động của Hạm đội 5 chứng tỏ khả năng của Hải quân Mỹ trong việc đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

 

Động thái này cũng phản ánh cam kết của Mỹ với các đối tác khu vực và an ninh hàng hải với đầy đủ năng lực và luôn sẵn sàng phòng thủ trước mọi mối đe dọa vào mọi thời điểm.

 

Giới quan sát nhận định, động thái bất thường tại vùng nước nông ở Vịnh Persian này nhằm khẳng định sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực. Động thái diễn ra chỉ vài tuần sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của Iran Mohsen Fakhrizadeh và chỉ hai tuần trước khi nước này tưởng niệm một năm vụ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

 

Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard (gần thủ đô Tehran), hôm 27/11. Theo tình báo phương Tây và Israel, ông Fakhrizadeh được cho là "cha đẻ" của chương trình hạt nhân Iran. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp