Theo trang worldometers.info, tính đến sáng 13/6 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 7.718.659 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó 427.474 ca tử vong, 3.912.719 ca phục hồi.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với 2.115.298, 116.792 ca tử vong và 837.633 ca phục hồi. Tiếp theo là Brazil, Nga, Ấn Độ và Anh.
Theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đại dịch COVID-19 đã vượt qua đỉnh điểm ở tất cả các nước trong khối, trừ Ba Lan và Thụy Điển.
Báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc COVID-19 so với thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỉ lệ mắc COVID-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất.
Tại các nước EU, tỉ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỉ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100.000 dân.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố, trong ngày 12/6, nước này ghi nhận thêm 393 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 236.305 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên 34.223 trường hợp (tăng 56 ca). Có 1.747 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 173.085 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 227 ca (giảm 9 ca). Tổng số ca phải nhập viện tại Ý hiện còn 3.893 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 28.997 người.
Chính phủ Na Uy ngày 12/6 thông báo sẽ mở lại biên giới với các nước láng giềng vào ngày 15/6, ngoại trừ Thụy Điển, nơi vẫn đang chống chọi với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ đối với một số khu vực của Thụy Điển có mức độ dịch bệnh chấp nhận được. Điều đó đồng nghĩa chỉ những du khách từ đảo Gotland của Thụy Điển trên biển Baltic mới được phép vào Na Uy mà không bị cách ly.
Thủ tướng Solberg cho biết việc dỡ bỏ hạn chế đi lại sẽ luôn đi kèm với rủi ro, mặc dù nhiều quốc gia láng giềng đã kiểm soát được sự bùng phát của bệnh dịch. Lây nhiễm do các trường hợp đến từ nước ngoài vẫn là một nguy cơ hiện hữu. Na Uy có kế hoạch đánh giá lại tình hình dịch bệnh trong khu vực theo chu kỳ 14 ngày. Quốc gia Bắc Âu này không phải thành viên EU song tham gia ký Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong 26 nước châu Âu.
Cũng trong ngày 12/6, trưởng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Liên bang Nga, bà Elena Malinnikova cho biết nguy cơ lây nhiễm virus SARS-COV-2 và những hậu quả của nó vẫn đang hiện hữu tại Nga, với các ca mắc mới vẫn được ghi nhận dù mức độ nguy hiểm đã giảm. Vì vậy, còn quá sớm để tuyên bố nước Nga đã chiến thắng trước đại dịch COVID-19.
Bà Malinnikova kêu gọi người dân Nga cần quan tâm đến sức khỏe cá nhân và tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và sử dụng găng tay ở nơi công cộng, tránh tham gia các hoạt động tập trung đông người cũng như tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Liên bang Nga, đến nay nước này đã ghi nhận hơn 511.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 50% đã khỏi bệnh và 6.715 trường hợp tử vong.
Tại Mỹ, thống đốc các tiểu bang Oregon và Utah quyết định tạm dừng mở cửa trở lại trong bối cảnh bùng phát các đợt nhiễm mới do đại dịch COVID-19. Chính quyền bang Oregon đã thông báo về 178 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 11/6. Đây là mức tăng cao kỷ lục ở tiểu bang này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Trong khi đó, tiểu bang Utah cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức "đỉnh" hồi tuần trước, với 556 trường hợp. Cả hai tiểu bang này đang trong quá trình mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn nhưng sẽ không đẩy nhanh các giai đoạn này do sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới.
Trong tuyên bố ngày 11/6, Thống đốc Oregon, Kate Brown, nhấn mạnh rằng đây thực sự là "đèn vàng" cảnh báo cần thiết cho toàn tiểu bang, đồng thời cho biết sẽ làm việc với các bác sỹ và các chuyên gia y tế công cộng để xác định xem có nên gỡ bỏ việc tạm dừng này hay gia hạn tiếp hoặc thực hiện các điều chỉnh khác hay không.
Đến nay Oregon đã ghi nhận hơn 5.200 ca mắc COVID-19, kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có 171 ca tử vong. Hầu hết các hạt trong bang đã tiến hành giai đoạn một hoặc hai của việc dỡ bỏ hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, như cho phép mở lại nhà hàng, bar, dịch vụ cá nhân, phòng tập thể dục và một số trung tâm thương mại. Hiện Multnomah ở Portland - thành phố đông dân nhất Oregon, là khu vực duy nhất chưa chuyển sang giai đoạn một.
Tại Utah, Thống đốc Gary Herbert, trong cuộc họp báo tối 11/6, cho biết hầu hết các khu vực trong bang vẫn ở trong giai đoạn "vàng" của kế hoạch mở lại, cho phép mọi doanh nghiệp hoạt động, bao gồm dịch vụ ăn uống tại hàng.
Theo Thống đốc Herbert, dù các biện pháp này thường ít hạn chế hơn so với những gì các tiểu bang khác đã thực hiện để làm chậm sự lây lan của COVID-19, song Utah cần phải tạm dừng nỗ lực mở lại khi điều tra sự gia tăng trong các ca nhiễm mới.
Ngày 12/6, Chính phủ Venezuela quyết định kéo dài thêm một tháng “tình trạng báo động” được tuyên bố hồi giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thông cáo đăng tải trên tờ Công báo nhấn mạnh, do bối cảnh trật tự xã hội có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe công cộng và an toàn của người dân, chính phủ quyết định kéo dài thêm 30 ngày “tình trạng báo động", biện pháp tạo cơ sở pháp lý để kéo dài lệnh cách ly xã hội.
Đây là lần thứ ba Chính phủ Venezuela gia hạn biện pháp này sau khi đã thử nghiệm việc linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội từ hôm 1/6. “Tình trạng báo động” là một biện pháp để trao quyền đặc biệt giúp cho Tổng thống có thể thể ngay lập tức ra lệnh cách ly xã hội bắt buộc tại các khu vực bùng phát dịch bệnh. Theo thống kê chính thức, đến nay Venezuela đã ghi nhận 2.814 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 trường hợp tử vong.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Brazil, ngày 12/6, nước này đã vượt qua Anh trở thành nước có số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao thứ hai thế giới, với 41.828 ca. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 909 trường hợp tử vong, với 828.810 ca mắc trong tổng số 212 triệu dân. Các chuyên gia nhận định số ca mắc trên thực tế có thể cao gấp 10 hoặc 15 lần.
Liên quan đến đại dịch COVID-19, hiện một số quốc gia châu Phi đã có thể hoàn toàn kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh như Tunisia, Burkina Faso hay Maroc. Tuy nhiên nhiều nước khác như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria lại gặp khó khăn thực sự trong nỗ lực ứng phó đại dịch.
Nhiều quốc gia trong khu vực đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với COVID-19, đặc biệt là Ai Cập, Nam Phi và Nigeria. Ba nước hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ.
Ngày 12/6, Ai Cập đã phát hiện thêm 1.577 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên tới 41.303 người. Ngoài ra, theo Bộ Y tế Ai Cập, đã có thêm 45 trường hợp tử vong do COVID-19 và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này đã lên đến 1.422 người. Bên cạnh đó, cũng đã có 417 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 11.108 người.
Nam Phi ghi nhận thêm 3.359 ca mắc và 70 ca tử vong mới, Nigeria ghi nhận thêm 681 mắc mới. Theo thống kê từ ngày 31/5-11/6, tức là trong vòng 11 ngày, số trường hợp mắc COVID-19 ở châu Phi đã tăng từ 147.600 lên khoảng 216.800, tương đương gần 48%.
Điều đáng quan ngại là đại dịch đang lây lan nhanh ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân. Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỉ lệ tử vong do dịch thấp, nhưng nay lại đang chứng kiến tỉ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 trường hợp tử vong tính từ khi đại dịch bùng phát.
Châu Phi đang trong giai đoạn tồi tệ, khi ghi nhận hơn 30 người chết mỗi ngày kể từ đầu tháng 6 đến nay. Ở khía cạnh tích cực, Tunisia hiện là ví dụ điển hình của quốc gia kiểm soát tốt đại dịch. Từ giữa tháng Tư đến nay, quốc gia Bắc Phi chỉ ghi nhận thêm 14 ca tử vong, và tính từ khi dịch bùng phát, Tunisia chỉ ghi nhận 49 ca tử vong trên tổng cộng 1.093 ca mắc. Burkina Faso và Maroc cũng là những trường hợp thành công khác.
Tính đến chiều 12/6 theo giờ địa phương, ngoài Nam Phi, Ai Cập và Nigeria, một số quốc gia châu Phi khác cũng đang ghi nhận số ca nhiễm cao đáng quan ngại từ 2 đến 3 con số mỗi ngày, dẫn đầu là Ghana với 498 ca mắc mới.
Tình hình dịch COVID-19 tại Iran tiếp tục diễn biến phức tạp khi trong 24 giờ qua khi nước này ghi nhận thêm 2.369 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 182.545 người. Phát biểu họp báo, người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết trong số các ca mắc mới có 687 trường hợp phải nhập viện điều trị.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong do COVID-19 ở Iran đã tăng thêm 75 ca, đưa tổng số ca tử vong lên thành 8.659 ca. Trong khi đó, số ca hồi phục là 144.649 người, số ca bệnh nặng là 2.739 người.
Giới chức y tế Iran đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội và tránh những hoạt động tụ tập đông người không cần thiết. Những người cao tuổi cũng được khuyến cáo ở trong nhà để tránh nguy cơ bị lây nhiễm.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)