Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

IMF cảnh báo những rủi ro đe dọa ổn định tài chính toàn cầu

Thứ tư - 25/11/2020 07:23
Ngày 24/11, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết các biện pháp kích thích tiền tệ bổ sung có thể gây ra những rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài chính trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
IMF cảnh báo những rủi ro đe dọa ổn định tài chính toàn cầu

Ngày 24/11, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết các biện pháp kích thích tiền tệ bổ sung có thể gây ra những rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài chính trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

 

Bà Georgieva đưa ra nhận định trên tại hội nghị bàn tròn "1+6" lần thứ 5, giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và 6 thể chế tài chính đa phương lớn, trong đó có IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tại hội nghị, bà nhấn mạnh: "Nhiều ngân hàng trung ương hiện đang xem xét lại các khuôn khổ để xác định các chiến lược và công cụ mới nhằm hỗ trợ đà phục hồi sau khủng hoảng".

 

Bà cũng thừa nhận rằng các khuôn khổ và công cụ mới có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các gói kích thích tiền tệ bổ sung cũng có thể đặt ra những nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính.Quan chức IMF lưu ý rằng các điều kiện tài chính nới lỏng có thể dẫn đến tâm lý dễ dãi chấp nhận các rủi ro tiềm tàng.

 

Theo Tổng Giám đốc Georgieva, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ phải cân bằng giữa thúc đẩy lạm phát và sản lượng trong ngắn hạn với việc hình thành các "lỗ hổng" tài chính vĩ mô. Chính sách tiền tệ không phải và không nên là biện pháp duy nhất hỗ trợ phục hồi sau cuộc khủng hoảng.

 

Chính sách tài chính cũng đóng một vai trò quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách đã tăng cường hỗ trợ tài chính trong giai đoạn khủng khoảng và cần tiếp tục các công cụ này để đạt tăng trưởng bền vững và bao trùm. Bà cho biết IMF rất quan tâm đến việc tìm kiếm các công cụ và cách tiếp cận chính sách phù hợp nhằm kích thích nền kinh tế thế giới, cũng như nỗ lực quản lý các rủi ro.

 

Cũng tại hội nghị trên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ hy vọng hoạt động kinh tế ở Trung Quốc có thể quay trở lại mức độ hợp lý trong năm tới, sau các tác động của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng trong năm 2020.

 

Theo ông, nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt tăng trưởng dương trong năm nay, và hy vọng hoạt động kinh tế trong năm tới "có thể trở lại mức độ hợp lý".Theo các số liệu cập nhật, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,7% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi GDP quý III tăng 4,9%.

 

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa và sẽ không theo đuổi chính sách thặng dư thương mại, thay vào đó sẽ nỗ lực cân bằng hoạt động xuất nhập khẩu. Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc mong muốn đạt được trạng thái thương mại cân bằng".

 

Năm nay, Trung Quốc đã công bố chiến lược phát huy các nguồn lực nội tại nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường và công nghệ ngoài nước trong quá trình phát triển dài hạn. Chiến lược chuyển đổi này được đưa ra sau những căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ hơn một năm qua. Trung Quốc cho biết sẽ phát huy các nguồn lực tại chỗ trong quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ để thúc đẩy phát triển với sự hỗ trợ của đổi mới công nghệ và cải tiến trong nền kinh tế.

 

Chính phủ xác định tiêu dùng nội địa đóng một "vai trò chủ đạo" trong khi đầu tư đóng "vai trò hiệu quả" trong nền kinh tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi một chính sách tài khóa tích cực và một chính sách tiền tệ bền vững, duy trì chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và liên tục.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp