Indonesia phát hiện 681 ca nhiễm biến thể Alpha, Beta và Delta

Thứ tư - 14/07/2021 13:40
Kênh truyền hình CNN Indonesia ngày 14/7 đưa tin tính đến ngày 11/7 vừa qua, nước này đã ghi nhận 681 ca mắc các biến thể COVID-19 đáng lo ngại (VoC) nằm trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

* Số ca mắc mới và tử vong ở Campuchia vẫn ở mức cao

 

Kênh truyền hình CNN Indonesia ngày 14/7 đưa tin tính đến ngày 11/7 vừa qua, nước này đã ghi nhận 681 ca mắc các biến thể COVID-19 đáng lo ngại (VoC) nằm trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Số ca mắc các biến thể trên - gồm B117 Alfa, B1351 Beta, và B1617 Delta - đã được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia phát hiện qua giải mã trình tự bộ gen đối với 2.951 mẫu bệnh phẩm.

 

Trong số 681 ca mắc các VoC, có 615 ca mắc biến thể Delta, 54 ca mắc biến thể Alfa và 12 ca mắc biến thể Beta.

 

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã liên tục gia tăng trong vài tuần qua, được cho là hệ quả của kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr hồi tháng 5 và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, đạc biệt là biến thể Delta xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.

 

Ngày 13/7, với 47.899 ca mắc COVID-19 mới, cao hơn kỷ lục cũ 40.427 ca được thiết lập chỉ trước đó 1 ngày, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 trong ngày.

 

Cùng ngày, quốc gia Đông Nam Á này cũng đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil, song đứng trước Nga, Nam Phi và Ấn Độ khi ghi nhận thêm 864 ca tử vong do COVID-19.

 

Tính đến nay, Indonesia đứng thứ 15 thế giới về số ca mắc COVID-19 với tổng cộng 2.615.529 ca, và đứng thứ 16 thế giới về số ca tử vong với tổng cộng 68.219 ca.

 

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này ngày 14/7 công bố có thêm 33 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch tại đây lên 986 người.

 

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 915 ca mắc COVID-19, trong đó số ca nhập cảnh tiếp tục tăng đáng lo ngại với 257 ca. Tính đến hôm nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 63.615 ca mắc COVID-19, trong đó 55.615 ca đã khỏi bệnh.

 

Do lo ngại biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh và trước yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 của cả hai nước Việt Nam và Campuchia, tối 13/7, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã gửi thông báo tới các cơ quan Việt Nam về quyết định tạm thời ngừng xuất nhập cảnh Campuchia đối với nhân viên và chuyên gia của các công ty Việt Nam trong vòng một tháng, áp dụng từ ngày 18/7/2021.

 

Trong khi đó tại Phnom Penh, ổ dịch các khu chợ tiếp tục diễn biến xấu. Quận trưởng quận Russey Keo, Chea Pisey đã quyết định đóng cửa chợ Ngin An (hay còn gọi là chợ Tumnup) tại quận này trong 14 ngày, bắt đầu từ 12 giờ trưa 13/7 để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia, tính đến hết ngày 13/7, có 5.104.846 người gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Như vậy, mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành đã đạt được 51,05%.

 

Với thêm 4 triệu liều vaccine dự kiến nhận được trong tháng 8/2021, Campuchia sẽ đủ vaccine tiêm cho 10 triệu người. Cùng với đó, Campuchia đã đặt hàng thêm 1 triệu liều để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi và có thể tiêm mũi thứ ba cho những người có kháng nguyên chống virus SARS-CoV-2 ở mức thấp.

 

Trả lời phỏng vấn báo Khmer Times ngày 13/7, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Trung học Phổ thông Campuchia (CHEA) Heng Vanda bày tỏ hy vọng một số trường sẽ được mở cửa đón học sinh trở lại vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới khi Campuchia đạt mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người.

 

T.LÊ (tổng hợp từTTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp