Tình hình dịch COVID-19 sáng 9/6: Các nước đẩy nhanh việc tiêm chủng

Thứ ba - 08/06/2021 23:38
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 9/6, thế giới ghi nhận 174,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó hơn 3,76 triệu ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 9/6, thế giới ghi nhận 174,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó hơn 3,76 triệu ca tử vong.

 

Số bệnh nhân bình phục là 158,1 triệu ca trong khi vẫn còn hơn 13 triệu bệnh nhân đang phải điều trị.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34,2 triệu ca mắc, trong đó có 613.030 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 29 triệu ca mắc và 353.557 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với hơn 17 triệu ca và đứng thứ hai về số ca tử vong với 477.307 ca.

 

Trước diễn biến dịch bệnh khả quan hơn cùng với chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh tại nhiều nước trên thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 5,6%, nhanh hơn 1,5% so với dự báo đưa ra tháng 1/2021 và là mức tăng nhanh nhất trong vòng 80 năm qua.

 

Tuy nhiên, WB cảnh báo nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước nghèo, đang bị bỏ lại phía sau và phải mất nhiều năm mới có thể quay trở lại mức tăng trưởng trước khi đại dịch bùng phát.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới, chẳng hạn như yêu cầu cách ly ở khách sạn, sẽ tập trung vào những khách nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ.

 

Tuy nhiên, ông không công bố khung thời gian để nới lỏng các biện pháp được áp dụng trong đại dịch này. Đây là một trong những bước đi đầu tiên của Canada chào đón du khách quốc tế trở lại.  

 

Liên quan đến vấn đề vắc xin, Quỹ Mastercard đã thông báo một sáng kiến trị giá 1,3 tỉ USD nhằm thúc đẩy chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19.

 

Sáng kiến này được triển khai thông qua mối quan hệ đối tác với Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi.

 

Trong khi đó, các sở y tế của bang và chính quyền liên bang Mỹ đang phải gấp rút tìm cách giải quyết hàng triệu liều vắc xin Johnson & Johnson (J&J) sắp hết hạn trong tháng 6 này.

 

Bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vắc xin J&J sắp hết hạn, còn các bang như West Virgina, Oklahoma, Ohio và Arkansas hiện cũng đang trữ hàng nghìn liều vắc xin J&J sắp hết hạn.

 

Trong khi đó, một số lượng khá lớn hai loại vắc xin khác của Mỹ là Pfizer/BioNTech và Moderna cũng sắp hết hạn trong vài tháng tới vì hạn sử dụng của các loại vắc xin là 6 tháng.

 

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, hai hãng dược phẩm của Mỹ và Đức lần lượt là Pfizer và BioNTech thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ em từ 12 tuổi trở xuống.

 

Hai hãng được sẽ thực hiện một nghiên cứu trên gần 4.500 trẻ em tại hơn 90 cơ sở khám bệnh ở Mỹ, Ba Lan, Tây Ban Nha và Phần Lan.

 

Nghiên cứu cũng sẽ tuân theo một chế độ sử dụng vắc xin cụ thể cho các nhóm tuổi nhất định. Theo đó, trẻ em từ 5-11 tuổi được cung cấp một liều 10 microgam vắc xin, trong khi trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi sẽ được tiêm 3 microgam vắc xin.

 

Trong khi đó, hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cho biết các nhà chức trách nước này đã cấp phép cho việc tiêm vắc xin của hãng cho trẻ 3 tuổi.

 

Cùng ngày, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) cho hay trong tháng 5 vừa qua, giới chức tại 92 quốc gia đã đóng 113.000 trang web và các trang thương mại điện tử bán thuốc giả và các sản phẩm y tế giả, gồm cả bộ test nhanh COVID-19 và khẩu trang làm giả.

 

Trong khi đó, giới chức y tế Nga thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại TP St.Petersburg của nước này đang có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa diễn ra Vòng chung kết EURO 2020.

 

St.Petersburg là một trong số thành phố đăng cai giải bóng đá châu lục này.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp