Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Iran ngày 2/11 cho biết, Tehran đã gửi bản kế hoạch hòa bình đối với eo biển Hormuz tới các quốc gia trong khu vực.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi, văn bản đầy đủ của Sáng kiến Hòa bình Hormuz đã được gửi đến các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iraq.
Ông Mousavi nhấn mạnh động thái này cho thấy sự nghiêm túc của Iran trong nỗ lực bảo vệ sự ổn định và an ninh của vùng Vịnh, đồng thời cho biết Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng sẽ gửi thư tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề này.
Hồi cuối tháng 9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã công bố kế hoạch hòa bình mang tên "Nỗ lực vì Hòa bình cho Hormuz" (viết tắt là HOPE). Ông Rouhani nêu rõ sáng kiến này nhằm đảm bảo an ninh tại Eo biển Hormuz, cũng như thiết lập một nền hòa bình và hợp tác lâu dài trong khu vực. Ông nhấn mạnh tất cả các quốc gia tại vùng Vịnh, eo biển Hormuz và Liên Hợp Quốc đều có thể tham gia HOPE, và Tehran sẵn sàng đối thoại với các nước trong khu vực về kế hoạch này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran đã lên án các lệnh trừng phạt mới đây của Mỹ nhằm vào lĩnh vực xây dựng của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhận định các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực xây dựng của Tehran cho thấy "sự thất bại" của Washington. Ông Mousavi cho rằng ngành ngoại giao Mỹ không có khả năng đưa ra những sáng kiến và chỉ dựa vào việc gây sức ép.
Quan chức này kêu gọi Mỹ ngừng việc liên tiếp áp đặt những lệnh trừng phạt và hối thúc Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran cùng các cường quốc, thay vì viện đến biện pháp trừng phạt.
Trước đó, ngày 31/10, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực xây dựng tại Iran và một số vật liệu nhất định đang được sử dụng liên quan tới quân đội và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Quyết định mới phản ánh việc Mỹ cố gia tăng sức ép kinh tế đối với Iran, trong khi vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Các biện pháp trừng phạt chống Iran đã được Washington tái áp đặt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCOPA) hồi tháng 5/2018.
Trước đó, các biện pháp trừng phạt đã nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300kg.
Mới đây, Iran cảnh báo tiếp tục giảm cam kết hạt nhân nếu các yêu cầu của Tehran không được đáp ứng trong các cuộc đàm phán với các thành viên còn lại tham gia JCPOA.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)