Nga ngày 9/11 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 21.798 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là ngày mà Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 3/2020. Tính đến nay, Nga thông báo có tổng cộng 1.796.132 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 30.793 ca tử vong do COVID-19.
Cũng tại châu Âu, Viện dịch tễ Robert Koch của Đức ngày 9/11 công bố báo cáo cho biết 24 giờ qua, nước này có thêm 13.363 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này lên 671.868 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Đức cũng đã lên tới 11.352 ca, sau khi ghi nhận thêm 63 trường hợp trong 24 giờ qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức ngày 9/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã cảnh báo người dân nước này phải chuẩn bị cho những hạn chế hơn nữa, ngay cả khi thời gian phong tỏa một phần kết thúc.
Tờ Thế giới (die Welt) dẫn lời Bộ trưởng Spahn (CDU) cho biết, có tới 40% người dân ở Đức có nguy cơ mắc bệnh. Về tình hình lây nhiễm hiện tại, Bộ trưởng Spahn cho biết, nếu Đức có khoảng 2% trong số 20.000 người mới mắc bệnh trong một ngày cần phải được điều trị tích cực (khoảng 400 ca), thì Đức sẽ cần tới 6.000 giường điều trị tích cực và hỗ trợ chăm sóc đặc biệt trong vòng 15 ngày. Ông kêu gọi người dân không tổ chức tiệc tùng trong những tháng mùa Đông.
Trong khi đó, ngày 8/11, Czech - một trong những quốc gia châu Âu có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thời gian gần đây, ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày ở mức thấp nhất trong 4 tuần qua, 3.608 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Czech đã lên tới 177 ca. Tại châu Á, Ấn Độ ngày 9/11 thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 45.903 ca nhiễm mới và 490 ca tử vong. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 8,55 triệu ca nhiễm và hơn 126.000 ca tử vong.
Tại Philipines, trong ngày 9/11, Philippines thông báo có thêm 108 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất trong 1 tuần qua. Hiện Philippines có tổng cộng 398.449 ca nhiễm, đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia.
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ hy vọng nước này sẽ chiến thắng tình hình hiện nay khi thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ những biện pháp cần thiết. Nhà lãnh đạo này khẳng định dù đang cách ly, ông vẫn giám sát tình hình và chỉ đạo trong mọi công việc. Ông nêu rõ ông rất cần sự hợp tác của tất cả mọi người.
Ông khẳng định chưa công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhưng kêu gọi người dân Campuchia lập tức thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Hiện các cơ quan chức năng Campuchia lo ngại nguy cơ tái bùng phát các ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Mỹ, Thống đốc bang Utah, ông Gary Herbert, cuối ngày 8/11 (theo giờ địa phương) đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện trong bối cảnh số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhập viện tăng mạnh.
Đăng tải thông báo trên mạng xã hội Twitter, Thống đốc Herbert nhấn mạnh do tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 "đáng báo động" tại Utah, ông quyết định "ban bố tình trạng khẩn cấp mới kèm một số điều chỉnh quan trọng" trong giải pháp ứng phó tại bang này.
Các nội dung điều chỉnh không gây đình trệ hoạt động kinh tế của bang và hoàn toàn cần thiết để bảo vệ tính mạng của người dân cũng như năng lực tiếp nhận của các bệnh viện.
Theo đó, toàn bang sẽ phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang cho tới khi có thông báo mới. Các hoạt động xã hội tập trung đông người như thường lệ sẽ chỉ được giới hạn trong các hộ gia đình vào 2 tuần tới. Ngoài ra, tất cả các hoạt động ngoại khóa đều phải tạm dừng.
Tính đến cuối ngày 8/11 theo giờ địa phương, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã vượt mốc 10 triệu ca kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tới nay. Riêng bang Utah ghi nhận 132.621 ca mắc, trong đó có 659 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Tại Úc, màn bắn pháo hoa Đêm Giao thừa năm nay ở Cảng Sydney vẫn sẽ diễn ra, song phải rút ngắn xuống chỉ còn khoảng một vài phút. Việc đặt chỗ tại các nhà hàng, quán càphê hay các khách sạn tại khu vực ngoại ô thành phố này cũng đều sẽ bị hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Vốn là nơi thu hút hàng nghìn người tới chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa kéo dài 12 phút theo truyền thống, nhưng Đêm Giao thừa năm nay, các điểm kinh doanh sầm uất bên bến cảng sẽ được bố trí dành cho đội ngũ nhân viên y tế và lực lượng lính cứu hỏa.
Phát biểu trước báo giới tại Sydney, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian nêu rõ mặc dù trong nhiều tuần qua, Úc chỉ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức một con số, nhưng số lượng người tham dự hoạt động chiêm ngưỡng pháo hoa nói trên sẽ bị hạn chế tại các khu vực thường thu hút hàng nghìn người xem.
Thủ hiến Berejiklian nhấn mạnh các hoạt động trong Đêm Giao thừa sẽ là biểu tượng của sự hy vọng và lạc quan cho năm 2021, song những trường hợp chưa đặt chỗ trước tại một nhà hàng hoặc quán càphê nào ở các khu vực nói trên sẽ không được vào địa giới Sydney trong bối cảnh nhà chức trách Úc đang nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Tính đến ngày 9/11, Úc ghi nhận hơn 27.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 907 ca tử vong. Con số này thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia phát triển khác.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)