Ngày 10/11, ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khẳng định không điều gì có thể gây trở ngại cho quá trình chuyển giao quyền lực.
Phát biểu tại một sự kiện ở bang Delaware cùng với liên danh tranh cử Kamala Harris, ông Biden cho biết đội ngũ của ông vẫn đang thúc đẩy thành lập chính quyền mới để nhận chuyển giao quyền lực vào ngày 20/1/2021.
Theo ông, tiến trình này vẫn đang diễn ra thuận lợi bất chấp việc Tổng thống Donald Trump không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, dù đánh giá điều này đang gây ra sự “lúng túng”.
Ông Biden nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyển giao và đang tiến hành một cách thuận lợi…Không điều gì có thể cản trở điều này. Tôi tin rằng việc họ không thừa nhận chúng tôi đã chiến thắng không gây tác động đáng kể đối với kế hoạch cũng như khả năng của chúng tôi trong khoảng thời gian từ nay tới ngày 20/1”.
Cùng ngày 10/11, lãnh đạo nhiều nước đồng minh của Mỹ trong Nhóm Các nền công nghiệp phát triển (G7) tiếp tục gọi điện chúc mừng ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua, đồng thời đưa ra cam kết hợp tác với chính quyền mới của Mỹ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Ireland Micheál Martin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã gọi điện chúc mừng ông Biden.
Êkíp chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết ông đã lên kế hoạch hợp tác với các nước châu Âu trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như trong vấn đề biến đổi khí hậu - một trong số nhiều lĩnh vực mà chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang có quan điểm trái ngược với các đồng minh.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Merkel, ông Biden đã ca ngợi vai trò lãnh đạo của nữ chính khách kỳ cựu này, đồng thời kêu gọi khôi phục lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Anh, Thủ tướng Johnson và ông Biden đã thảo luận về tầm quan trọng của việc thực thi Brexit theo cách thức bảo vệ Hiệp ước thứ Sáu Tốt lành.
Ông Biden đã gửi đi thông điệp Anh không nên để Brexit gây bất ổn đến tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland. Về phần mình, Thủ tướng Johnson quyết tâm thúc đẩy Quốc hội Anh cho phép các bộ trưởng phá vỡ luật quốc tế và bỏ qua một số điểm liên quan đến vấn đề Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit năm ngoái mà Anh đã nhất trí với EU.
Sau cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với ông Biden, trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Johnson đã bày tỏ hy vọng có thể hợp tác với ông Biden để nhanh chóng phục hồi đất nước sau dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ tại Mỹ.
Cũng liên quan vấn đề Brexit, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ireland Micheál Martin, ông Biden đã "tái khẳng định sự ủng hộ" đối với Hiệp ước thứ Sáu Tốt lành và tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Martin, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của kết quả Brexit, trong đó bao gồm việc tôn trọng Hiệp ước thứ Sáu Tốt lành và không quay trở lại tình trạng đường biên giới "cứng" trên đảo Ireland.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chúc mừng ông Biden, đồng thời kêu gọi thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
Theo ông, những thách thức hiện nay ở cấp độ toàn cầu và khu vực đòi hỏi hai nước phải phát triển và củng cố hơn nữa các mối quan hệ dựa trên lợi ích và các giá trị chung.
Trong thời gian Tổng thống Trump nắm quyền, Ankara và Washington đã đối mặt nhiều bất đồng, bao gồm việc Mỹ ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
Ngoài ra, hai nước còn xung đột trong việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa công nghệ cao của Nga và việc Mỹ từ chối dẫn độ một giáo sĩ Hồi giáo mà Tổng thống Erdogan cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.
Cùng ngày, một số đồng minh thân cận khác của Mỹ tại Trung Đông cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Biden, như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Netanyahu khẳng định ông không có sự phân biệt đối xử giữa Đảng Dân chủ với Đảng Cộng hòa tại Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích của Israel trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có chính quyền mới.
Ông đã gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Trump, người đã hỗ trợ mang lại loạt thành quả ngoại giao đến cho Israel.
Ông cũng cảm ơn ông Biden vì đã ủng hộ các thỏa thuận do Tổng thống Trump làm trung gian trong việc bình thường hóa quan hệ với Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Sudan.
Trước đó, ngày 7/11 (giờ Mỹ), 4 ngày sau ngày bầu cử chính thức 3/11, các hãng truyền thông lớn tại Mỹ đồng loạt đưa tin kết quả kiểm phiếu tại bang Pennsylvania nghiêng về ứng cử viên của Đảng Dân chủ, qua đó ông Biden giành được tổng cộng 273 phiếu đại cử tri, vượt mức 270 phiếu cần thiết trong tổng số 538 phiếu để đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Trump đang thúc đẩy nỗ lực pháp lý nhằm đảo ngược chiến thắng sít sao của ông Joe Biden tại một số bang chiến địa gồm Pennsylvania, Nevada, Georgia và Arizona.
Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã chính thức đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang tại bang Pennsylvania, cho rằng hệ thống bầu cử qua đường bưu điện của bang này "thiếu mọi tiêu chuẩn xác nhận về sự minh bạch và có thể xác minh, vốn có sẵn cho các cử tri bỏ phiếu trực tiếp".
Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump cũng kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ Đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh.
Ngày 10/11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr đã ủy quyền cho các công tố viên liên bang tiến hành điều tra về những bất thường trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Trong khi đó, một thành viên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết nhóm này đã kêu gọi Cục Dịch vụ Công Mỹ (GSA) phải công nhận ông Biden thắng cử để khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực.
Theo TTXVN/Vietnam+