Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Mỹ với hơn 180.000 ca mắc mới và 1.393 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã thông báo mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Trong ngày 13/11, Thống đốc bang Nevada Steve Sisolak xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông Sisolak cho biết đang chờ thêm kết quả xét nghiệm PCR và ông hiện không có triệu chứng gì.
Văn phòng của ông Sisolak cho biết tất cả nhân viên của ông sẽ tạm thời làm việc tại nhà và bản thân ông Sisolak sẽ cách ly tại nhà. Trước đó, ông Sisolak đã hai lần có kết quả xét nghiệm âm tính vào các ngày 2/11 và 6/11.
Trong khi đó, tại bang New York, chính quyền đang gấp rút triển khai những biện pháp chống dịch nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Thống đốc bang Andrew Cuomo đã yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh được phép bán đồ uống có cồn, như các quán bar và nhà hàng, đóng cửa từ 22 giờ hằng ngày.Lệnh này có hiệu lực từ ngày 13/11.
Trong khi đó, Thị trưởng TP New York Bill de Blasio cảnh báo có thể "nối gót" các thành phố lớn khác của Mỹ đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến vào ngày 16/11 tới, trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm hàng ngày gần đạt mức 3% sau nhiều tháng duy trì trong khoảng 1%.
Ngày 12/11, Chicago, thành phố lớn thứ ba của Mỹ, cũng đã khuyến cáo người dân ở nhà. Cảnh báo năm 2020 còn có thể trở nên tồi tệ hơn vì dịch bệnh, Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot đã kêu gọi 2,7 triệu người dân trong thành phố hủy các kế hoạch kỷ niệm ngày lễ Tạ ơn sắp tới và hạn chế đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, đi học hay đi làm.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan rất nhanh, Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực trấn an người dân khi ông bày tỏ hy vọng sẽ có một loại vắcxin ngừa COVID-19 cho toàn dân sớm nhất vào tháng 4 tới. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ không đóng cửa trở lại nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Canada, viện dẫn số ca mắc mới cao kỷ lục và dự báo con số này có thể sớm tăng gấp đôi, Thủ tướng Justin Trudeau ngày 13/11 đã kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Trudeau nêu rõ: "Chúng ta phải đảo ngược những xu hướng này ngay bây giờ. Tất cả chúng ta đều muốn dịch bệnh qua đi, song nó vẫn diễn ra trong nhiều tháng nữa. Dịch bệnh diễn biến xấu như thế nào trong những tháng tới phụ thuộc vào tất cả chúng ta”.
Thủ tướng Trudeau đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch bao gồm các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, cũng như luôn giữ vững tinh thần lạc quan. Ông cũng cho biết 10 tỉnh bang Canada sẽ sớm công bố các biện pháp chóng dịch mới.
Thủ tướng Trudeau ngày 13/11 cho biết chính phủ liên bang sẽ chuyển cho các tỉnh và vùng lãnh thổ 1,5 tỉ CAD (1,14 tỉ USD) để hỗ trợ đào tạo những lao động làm việc trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Khoản tiền này sẽ hỗ trợ những lao động bị mất việc trong những lĩnh vực như xây dựng, vận tải, du lịch - nhà hàng - khách sạn,... quay trở lại thị trường việc làm thông qua việc tiếp cận với các khóa đào tạo kỹ năng và dịch vụ việc làm.
Thủ tướng Trudeau nhận định chưa bao giờ thị trường lao động lại tiến triển nhanh như lúc này và người lao động động cần được phát triển các kỹ năng mới. Thủ tướng cảnh báo Ottawa không có nguồn lực vô hạn để hỗ trợ cuộc chiến với dịch COVID-19.
Theo khảo sát mới đây của Cơ quan Thống kê Canada, gần 1/3 các doanh nghiệp không biết liệu có thể duy trì hoạt động trong bao lâu nữa với các điều kiện như hiện nay. Tỉ lệ thất nghiệp tại Canada đứng ở mức 8,9% trong tháng 10/2020, so với mức 9% trong tháng 9/2020, tương đương với khoảng 1,8 triệu người không có việc làm.
Tính tới ngày 13/11, Canada ghi nhận hơn 285.000 ca mắc, trong đó có gần 11.000 ca tử vong. Hiện vẫn còn 45.000 bệnh nhân đang được điều trị.
Trong khi đó, cùng ngày 13/11, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes tuyên bố quốc gia lớn nhất Mỹ Latin này đã chính thức thoát khỏi suy thoái kinh tế, đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ là thách thức của Chính phủ Brazil trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo quốc gia về các vấn đề ngoại thương (Enaex) lần thứ 39, Bộ trưởng Guedes dẫn số liệu từ báo cáo Chỉ số Hoạt động Kinh tế của Ngân hàng Trung ương Brazil (IBC-Br) cho thấy nền kinh tế của Brazil trong quý 3/2020 đã tăng trưởng 9,47% so với quý trước đó.
Mặc dù số liệu chính thức về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil vẫn chưa được Viện Địa lý và Thống kê Quốc gia (IBGE) của nước này công bố, báo cáo từ Ngân hàng Trung ương Brazil cho thấy suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
Theo ông Guedes, Chính phủ Brazil có khoảng 18 tháng để đưa ra các sáng kiến nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang trạng thái “tăng trưởng bền vững”, thay vì tiếp tục các biện pháp nhằm “phục hồi nền kinh tế” như hiện nay.
Bộ trưởng Kinh tế Brazil cho rằng, thay vì tập trung vào đẩy mạnh tiêu dùng, thách thức hiện nay là tìm cách mở rộng năng lực sản xuất. Ngoài ra, ông Guedes nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát nền tài chính công, thông qua việc tuân thủ các quy định về mức trần chi tiêu công, nhằm thay đổi tư duy hiện nay là dựa vào các khoản đầu tư của chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)