Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 16/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 52.804.194 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.324.025 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 38.129.282 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 251.832 ca tử vong trong tổng số 11.365.052 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 130.109 ca tử vong trong số 8.845.617 ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 165.811 ca tử vong trong số 5.863.093 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với tỷ lệ 122 ca tử vong trên 100.000 người dân. Tiếp đến là Peru với tỷ lệ 106 người, Tây Ban Nha 87 người và Argentina 78 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 14,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 332.000 ca tử vong.
Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với hơn 420.000 ca tử vong trong hơn 11,9 triệu ca nhiễm.
Trong khi đó, Bắc Mỹ có khoảng 256.000 ca tử vong trong hơn 11 triệu ca nhiễm. Châu Á có hơn 181.100 ca tử vong trong hơn 11,3 triệu ca nhiễm; Trung Đông ghi nhận hơn 68.300 ca tử vong; châu Phi - gần 46.900 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại Dương là hơn 1.000 ca.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đang tự cách ly sau khi một người tiếp xúc với ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: “Ông (Johnson) sẽ tiếp tục làm việc ở Phố Downing, trong đó có công tác lãnh đạo chính phủ ứng phó với đại dịch COVID-19… Thủ tướng khỏe mạnh và không có bất cứ triệu chứng mắc COVID-19 nào”.
Trước đó, Thủ tướng Anh hồi tháng Tư vừa qua cũng đã phải nhập viện để điều trị COVID-19.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Nga ngày 15/11 xác nhận Bộ trưởng Vitaly Savelyev đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện ông Savelyev đang thực hiện tự cách ly.
Trong thời gian này, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Giao thông Alexander Neradko sẽ tạm thời đảm đương các công việc của Bộ trưởng Savelyev.
Một số quan chức cấp cao của Nga, trong đó có Thủ tướng Mikhail Mishustin, đã bình phục sau khi mắc COVID-19.
Đến nay, Nga đã ghi nhận tổng cộng 1.925.825 ca COVID-19, trong đó 33.186 người tử vong.
Tại châu Á, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15/11 đã kêu gọi “tổng động viên nguồn lực của quốc gia và chính phủ” để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ 3 sau khi các cơ quan y tế nước này công bố số ca mắc mới trong ngày cao nhất.
Iran là quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch này. Bộ Y tế Iran ngày 15/11 cho biết nước này đã ghi nhận 12.543 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước Cộng hòa Hồi giáo lên 762.068 người. Iran cũng ghi nhận thêm 459 ca tử vong, nâng tổng số lên 41.493 ca.
Chính phủ Iran đã áp đặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Tehran từ ngày 14/11 và khoảng 100 thành phố và thị trấn khác trên toàn quốc kể từ ngày 21/11.
Các hoạt động kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa, các phương tiện giao thông cũng sẽ không được phép ra, vào các địa phương này.
Ở châu Đại dương, giới chức y tế bang South Úc của Úc thông báo đã ghi nhận thêm 17 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua liên quan một ổ dịch mới xuất hiện ở phía Bắc thành phố Adelaide.
Các ca nhiễm mới này liên quan tới 4 ca nhiễm trong cộng đồng được công bố ngày 15/11, bao gồm một cụ bà 80 tuổi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được điều trị tại Bệnh viện Lyell McEwin ở phía Bắc thành phố, cùng 2 người thân có tiếp xúc gần với bà, và một nhân viên làm việc tại trại cải tạo Yatala.
Giám đốc y tế bang Nicola Spurrier cho biết rất nhiều xét nghiệm đã được thực hiện ngay trong ngày 15/11, đặc biệt là trong số những người thuộc gia đình của 3 ca nhiễm đầu tiên, và tin rằng ổ dịch nhiều khả năng khởi phát từ một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly du khách.
Chính quyền bang cho biết hàng trăm người liên quan đến các ca nhiễm trên đã được cách ly, và sẽ cân nhắc đưa ra quyết định hạn chế và đóng cửa cần thiết trong 1-2 ngày tới.
Bộ trưởng Y tế liên bang Greg Hunt bày tỏ tin tưởng vào năng lực của hệ thống y tế bang Nam Úc và tuyên bố sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để giúp chính quyền bang sớm khống chế được ổ dịch.
Tại châu Phi, Chính phủ Tunisia ngày 15/11 cũng đã thông báo kéo dài lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 3 tuần để đối phó với tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca mắc COVID-19 mới trong những tuần gần đây.
Lệnh cấm được áp dụng từ 20 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong khoảng thời gian từ thứ Hai đến thứ Sáu, và từ 19 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong 2 ngày cuối tuần. Các biện pháp hạn chế khác cũng được mở rộng, trong đó của lệnh cấm đi lại giữa các địa phương, cấm tụ tập trên 4 người ở những nơi công cộng, các quán cà phê và nhà hàng phải đóng cửa lúc 16 giờ... Tuy nhiên, các trường học vẫn được phép mở cửa với số lượng hạn chế.
Trước đó, Chính phủ Tunisia đã nhiều lần dỡ bở lệnh giới nghiêm và các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục nền kinh tế và xã hội.
Theo Viện thống kê quốc gia Tunisia, kể từ khi áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ tháng 3-6/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 3/2020 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt lên hơn 18%, và sau đó giảm xuống còn 16,2% trong quý 3. Hiện nay, quốc gia có 11 triệu dân này đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19/ngày trong những tuần gần đây, và các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải. Tính đến ngày 15/11, Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 79.339 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2.279 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 16/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 223 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 193 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 28.769 trường hợp. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 200 ca/ngày.
KCDA đánh giá, sự gia tăng mạnh mẽ của các chuỗi lây nhiễm tập thể xuất phát từ các hoạt động sinh hoạt nhóm của người dân trên toàn quốc đã khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc truy vết cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ngoài ra, sự lây lan gần đây của dịch COVID-19 trong các môi trường cộng đồng khác nhau cũng đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với những nỗ lực phòng chống dịch. Hiện KCDA đang cân nhắc nâng mức giãn cách xã hội từ cấp 1 lên cấp 1,5 để kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo nhấn mạnh: "Dịch COVID-19 đang ở giai đoạn nghiêm trọng với việc tiếp tục xuất hiện các ca lây nhiễm tập thể sau các cuộc tụ họp của gia đình, bạn bè và những hoạt động công cộng".
Trước khi thực thi các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ hơn, ngày 15/11, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra "cảnh báo sơ bộ" đối với khu vực thủ đô Seoul và thành phố Gangwon - nơi đã ghi nhận một số ổ lây nhiễm tập thể trong tuần qua.
Trong khi đó, một số thành phố khác bao gồm Cheonan và Asan ở tỉnh Nam Chungcheong; Wonju ở tỉnh Gangwon và Suncheon, Gwangyang và Yeosu ở tỉnh Nam Jeolla đã áp dụng mức giãn cách xã hội ở cấp độ 1,5.
Hàn Quốc đã duy trì chương trình giãn cách xã hội cấp độ 1 theo hệ thống 5 cấp độ trên toàn quốc kể từ đầu tháng 11 này. Với mức độ giãn cách ở cấp độ này, người dân được yêu cầu tuân theo các nguyên tắc phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách dưới 2m và không khuyến khích tụ tập trên 500 người.
Người dân vẫn được phép thực hiện hầu hết các công việc hằng ngày ở mức giãn cách cấp độ 1,5 nhưng các cuộc tụ tập từ 100 người trở lên sẽ bị hạn chế.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)