Ngày 27/1, Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch COVID-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của Ủy ban, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng "vẫn còn hạn chế".
Ông Tedros nói: "Khi chúng ta bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chắc chắn chúng ta đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh (do biến thể Omicron gây ra) lên đến đỉnh điểm và WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca tử vong mỗi tuần".
Theo Tổng giám đốc WHO, tỉ lệ tử vong hằng tuần đã giảm xuống dưới 10.000 ca vào tháng 10/2022 nhưng đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 12/2022. Tổng giám đốc WHO cho biết các vắcxin phòng bệnh, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống của các bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế.
Tuy nhiên, ông cho rằng ứng phó toàn cầu với dịch bệnh vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, các công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần nhất - đặc biệt là người già và nhân viên y tế.
Ngoài ra, niềm tin của công chúng vào các công cụ phòng chống COVID-19 này đang bị xói mòn bởi "một loạt" thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng của COVID-19.
Ủy ban độc lập trên họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với Tổng giám đốc WHO, người sau đó sẽ quyết định liệu COVID-19 có còn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Trên toàn thế giới, gần 665 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong đã được báo cáo lên WHO. Tuy nhiên, cơ quan y tế này của Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh rằng con số thực sẽ còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, hơn 13,1 tỉ liều vắcxin phòng ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới.
Trước đó, WHO ngày 26/1 cho biết sau mùa du lịch đi lại nhiều nhân dịp đầu năm mới 2023, số ca mắc COVID-19 đã không tăng mạnh tại châu Phi. Tổng cộng 20.552 ca mắc mới được ghi nhận trong 3 tuần đầu tháng 1/2023, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế mới trên một phần là do tỉ lệ xét nghiệm thấp, nhưng điều quan trọng là số ca nhập viện vì mắc bệnh nặng và số ca tử vong cũng đã giảm đáng kể. Tính đến ngày 22/1/2023, có 88 ca tử vong tại châu lục này do mắc COVID-19, giảm mạnh so với mức 9.096 ca cùng kỳ năm 2022.
Đại diện của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết: “Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, tháng Một đầu năm không chứng kiến số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các biến thể tiếp tục lây lan, các nước cần cảnh giác và có biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời bất kỳ đợt bùng phát lây nhiễm mới".
Năm 2022, châu Phi đã không chứng kiến những đỉnh dịch lớn. Các đợt bùng phát kéo dài trung bình 3 tuần trước khi giảm. Ngược lại, năm 2021, châu lục này đã trải qua 2 làn sóng lây nhiễm các biến thể có khả năng lây lan nhanh và gây số ca tử vong lớn.
Dự báo trong những tháng tới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan dù với mức thấp hơn và có thể tạo ra một số đợt bùng phát. WHO kêu gọi các nước duy trì khả năng phát hiện và ứng phó hiệu quả với những đợt bùng phát bất ngờ.
Trong diễn biến khác, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa ra thông báo dừng cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc dự phòng COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng Evusheld do không hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan mạnh ở Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, thông báo trên được FDA đưa ra vài tuần sau khi cơ quan này cho biết Evusheld không có hiệu quả đối với dòng phụ XBB.1.5 của biến thể Omicron, biến thể đang gây lây nhiễm cho 61% số ca bệnh ở Mỹ.
FDA cho biết trong bối cảnh Evusheld chỉ có tác dụng đối với chưa đến 10% các dòng phụ gây lây nhiễm tại Mỹ, việc ngừng cấp phép sử dụng loại thuốc này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bệnh nhân có thể bị các tác dụng phụ do sử dụng thuốc, như phản ứng dị ứng.
Theo thông cáo báo chí của nhà sản xuất Evusheld AstraZeneca, dữ liệu từ phòng thí nghiệm cho thấy loại thuốc này không hiệu quả đối với nhiều dòng phụ của biến thể Omicron, trong đó có 3 dòng phụ đang lây nhiễm chủ yếu ở Mỹ là XBB.1.5, BQ.1.1 và BQ.1.
Sự biến đổi liên tục của virus SARS-CoV-2 đang khiến các phương pháp điều trị tương tự khác trở nên lỗi thời. Vào tháng 11 vừa qua, FDA đã tạm dừng cấp phép cho liệu pháp kháng thể đơn dòng Bebtelovimab.
FDA khuyến cáo bệnh nhân có các triệu chứng của COVID-19 nên tìm kiếm những phương pháp điều trị như Paxlovid, Remdesivir hoặc Molnupiravir, các thuốc kháng virus được cho là vẫn có hiệu quả trong điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, FDA cũng khuyến cáo các cửa hàng dược phẩm nên giữ lại thuốc Evusheld còn tồn kho, phòng trường hợp các biến thể mà thuốc này có tác dụng trở nên phổ biến trong tương lai.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)