Bên kia sông là núi Chai. Tên Chai chắc bởi đất đai cằn cỗi chai sạn, cây lớn không mọc nổi chỉ toàn cây bụi mà thành. Bạt ngàn lùm bụi xanh xanh, đa số toàn cây dú dẻ. Núi có sườn thoai thoải không cao, vây quanh chân vài trảng cỏ bằng rất tiện cho chăn thả gia súc. Vậy nên, mùa hè nước sông cạn, lũ mục đồng xóm Củi ngày nào cũng hăng hái lùa bò vượt sông vô chân núi Chai thả ăn. Đường xa, đi nhọc chút nhưng bò được ăn no. Thêm nữa, thả bò xong sẽ được thả sức ăn chơi: chui lùm lủi bụi tìm lá sâm nam, tìm ổi rừng, chùm rụm, dú dẻ, chim chim…
Nhiều nhất vẫn là dú dẻ!
Không chỉ nhiều nhất mà còn ngon nhất trong các loài quả dại. Nhìn chùm dú dẻ chín vàng trái nở to, căng bóng như tươm mật, thơm nức, tưởng cái vị ngọt ngào tới lịm chân răng đố đứa trẻ nào không nước miếng tứa đầy mồm? Thường qua xuân chớm hè là mùa dú dẻ ra hoa, đậu quả. Hoa dú dẻ hình dáng rất đặc biệt: nở hai tầng; mỗi tầng có 3 cánh cứng dày đun ghép dính như cái kiềng 3 chân màu vàng nhạt. Lớp vỏ giáp chắc chắn ấy có công dụng bảo vệ phần nhị/bầu hoa nằm thụt sâu bên trong. Thật tình hoa trông quê một cục, nhưng cái khiến lũ mục đồng chúng tôi mê mẩn chính là mùi hương. Hương y hệt mùi những ống dầu chuối - một loại hương tổng hợp, mẹ hay mua về pha bột mỗi khi làm bánh, thơm rất ngát và thơm lâu. Vậy nên hành trình săn dú dẻ gặp trái chín đã đành mà gặp hoa đang nở cũng cứ… hái. Vẫn biết hoa rồi sẽ đậu trái, tiếc, nhưng không kiềm được khi cái mùi hương mê hoặc kia cứ thoảng bay quyến rũ. Có điều kiềm chế, không hái nhiều, chỉ ngắt mỗi lần một hoa. Hoa ấy bỏ vào túi áo trên; suốt đường đi thi thoảng cứ cúi xuống, dí mũi vào túi lén hít hà mùi hương bí ẩn. Đứa đi bên cạnh ngạc nhiên hỏi chỉ cười không đáp. Dại gì khai, cho nó bắt chước mình lùng hái hết hoa sao? Yên tâm, không nói còn lâu chúng mới biết: hoa dú dẻ cứng quèo, nhét sâu đáy túi vẫn không sợ dập, hương thơm thoảng mãi vài ba hôm mới phai. Lại lén đi tìm hoa khác…
Giữa hè. Hoa dú dẻ hiếm dần, hương cũng nhạt dần đi trong cái nắng hè gay gắt. Không sao, giờ hương hoa sẽ được thay bằng hương… quả. Đó đây trong lùm bụi xanh um đã lấp ló những chùm dú dẻ ửng vàng. Thoảng thơm; rồi thơm nức mũi khi đạt độ chín múp, vàng ươm như màu nải chuối mật tí hon. Tìm săn dú dẻ chín đứa nào thính mũi đứa ấy lợi thế hơn. Vụ này, cả hội chăn bò chúng tôi phải tôn anh Tèo Lớn làm sư phụ! Trời cho anh Tèo cái mũi cực thính. Thả bò xong, chỉ cần đứng nơi đuôi gió hỉnh mũi hít hít là biết ngay hướng nào có dú dẻ chín để bươn đi tìm! Anh đi, lũ nhỏ cũng a la sô bám theo. Vậy nhưng theo sát kiểu nào thì những chùm dú dẻ to nhất, ngon nhất vẫn cứ lọt vào tay anh. Chỉ cần non tiếng đồng hồ lội ngược bươn xuôi, cái mũ rách của anh Tèo đã đầy vun những chùm dú dẻ vàng ruộm. May, anh Tèo thảo ăn, hái được nhiều bao giờ cũng đem chia phần cùng sắp nhỏ.
Trong đám em út cùng hội chăn bò anh thương tôi nhất. Vậy nên mũ dú dẻ anh bê xuống tôi luôn được chọn phần đầu tiên. Đương nhiên sẽ nhỏn ngay chùm nào da thật căng, màu vàng thật ruộm - và dứt khoát hương đưa lên mũi phải nồng nàn nhất đám! Thấy tôi cứ căng mũi hít hà lúc chọn lựa, anh Tèo sốt ruột cốc nhẹ đầu: dòm được rồi, hít làm chi? Tôi cười ỏn ẻn: em mê cái mùi thơm… Phải rồi, tôi mê vị ngọt ngào lịm lưỡi khi ăn dú dẻ, nhưng mùi hương dú dẻ ám ảnh tôi hơn. Vậy nên hái hay xin được chùm dú dẻ chín không bao giờ vội ăn ngay mà luôn phải nâng niu, hít hà cho đã trước khi thưởng thức…
Giờ đã xa lăng lắc những ngày hè ấu thơ đầu trần chân đất, đêm về còn ám tận giấc mơ một mùi hương dú dẻ. Lại hè rồi…
Y NGUYÊN