Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa bão

Thứ hai - 11/11/2019 02:19
Sức khỏe cá nhân chịu nhiều tác động của các yếu tố xung quanh, nhất là yếu tố về môi trường như vi khí hậu, độ ẩm, gió, các tia… Vào mùa mưa bão, các yếu tố này thay đổi rất nhiều, tác động lên hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu cơ thể không thích ứng được sẽ dẫn đến các rối loạn và bệnh sẽ xảy ra.

Sức khỏe cá nhân chịu nhiều tác động của các yếu tố xung quanh, nhất là yếu tố về môi trường như vi khí hậu, độ ẩm, gió, các tia… Vào mùa mưa bão, các yếu tố này thay đổi rất nhiều, tác động lên hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu cơ thể không thích ứng được sẽ dẫn đến các rối loạn và bệnh sẽ xảy ra.

 

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh: Vào mùa mưa bão, nhiều dịch bệnh có xu hướng xảy ra cao hơn so với các mùa khác trong năm. Các bệnh có thể bùng phát thành dịch, thậm chí dịch lớn như sốt xuất huyết, lỵ, tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ tay, chân…

 

Mưa bão làm ứ đọng nước, rác gây ô nhiễm môi trường; thực phẩm dễ hỏng hơn so với bình thường. Đặc biệt tình trạng thiếu nước sạch do giếng bị ngập lụt, nước bề mặt bị ô nhiễm nặng nề làm cho nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

 

Để phòng chống các dịch bệnh này, mỗi người cần chú ý thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Mỗi người có các biện pháp phòng vệ cá nhân như giữ vệ sinh cá nhân tốt, ăn uống sinh hoạt điều độ, đảm bảo dinh dưỡng, tránh muỗi đốt. Mỗi gia đình chú ý giữ sạch nguồn nước; gia đình sử dụng giếng khơi cần chuẩn bị nắp đậy giếng tránh nước ngập, trữ nước sạch nhưng phải có nắp đậy tránh muỗi đẻ trứng; dự trữ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chuẩn bị đối phó kịp thời. Các cơ quan chuyên môn cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cần thiết đáp ứng kịp thời trong thu dung, cấp cứu, điều trị, thậm chí khi dịch lớn xảy ra.

 

Đề phòng tai nạn thương tích: Tai nạn thương tích thường xảy ra trong mùa mưa bão như đuối nước, chấn thương, vết thương phần mềm do sập nhà, lở đất, rắn cắn..., nhất là ở miền núi và những nơi gần ao hồ, sông suối. Mỗi người, mỗi gia đình cần chuẩn bị, chằng chống nhà cửa, không di chuyển khi có mưa lớn, bão, không vượt qua các vùng nước sâu nếu không biết chắc chắn an toàn. Cộng đồng dân cư cần cử người gác ở những nơi nguy hiểm để cảnh báo cho người dân, kiên quyết không cho đi qua vùng nguy hiểm; tỉa cành các cây lớn xung quanh tránh cây đổ khi có bão…

 

Phòng chống nguy cơ đột quỵ, nhất là những người có bệnh mãn tính như cao huyết áp, bệnh tim mạch: Vào mùa mưa bão, thời tiết, độ ẩm, tốc độ gió… thay đổi nên tác động nhiều lên cơ thể, nhất là hệ tim mạch. Vì vậy nguy cơ đột quỵ trong mùa này cao hơn bình thường. Những người có các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, bệnh tim mạch cần lưu ý tuân thủ điều trị, không để cơ thể bị lạnh đột ngột, mặc đủ ấm, tránh lạm dụng những chất kích thích, ngủ đủ giấc. Không để người già hay người bị cao huyết áp ở nhà một mình, nhất là vào ban đêm.

 

Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ: Vào mùa mưa bão, nhu cầu dinh dưỡng và nhu cầu năng lượng thường tăng lên để bảo vệ, sưởi ấm cơ thể. Vì vậy cần có chế độ ăn uống đảm bảo để cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng. Tránh thức khuya hay dậy quá sớm, tránh tham công tiếc việc dẫn đến quá sức chịu đựng của cơ thể.

 

Phòng ngừa rắn rít, côn trùng cắn: Trong mùa mưa bão, các loại rắn, rít, côn trùng độc như kiến ba khoang thường xâm nhập vào nhà vì thiếu nơi sinh tồn, gây nguy hiểm, có khi cắn người gây tử vong. Vì vậy mỗi người, mỗi gia đình cần lưu ý phòng ngừa các nguy cơ này: Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, kiểm tra những nơi các sinh vật này dễ ẩn nấp như gầm giường, nơi để dụng cụ, tủ áo quần…

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp