Khám sàng lọc, mang cơ hội đến với người khuyết tật

Thứ hai - 04/11/2019 00:10
“Không ít người dân hay có kiểu ai bày gì làm nấy. Tuy nhiên, để phục hồi chức năng đạt hiệu quả thì người bệnh cần được khám, tư vấn, can thiệp bởi bác sĩ chuyên khoa”
Khám sàng lọc, mang cơ hội đến với người khuyết tật

“Không ít người dân hay có kiểu ai bày gì làm nấy. Tuy nhiên, để phục hồi chức năng đạt hiệu quả thì người bệnh cần được khám, tư vấn, can thiệp bởi bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Đặng Hoàng Hương Thùy, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên nói trong đợt khám sàng lọc, tư vấn về PHCN tại TP Tuy Hòa.

 

Bác sĩ Đặng Hoàng Hương Thùy hướng dẫn tập vận động cho một bệnh nhân. Ảnh: YÊN LAN

 

Thực hiện chương trình PHCN dựa vào cộng đồng giai đoạn 2017-2020, sau khi tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên ở 37 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Tuy An, Đông Hòa, TP Tuy Hòa và khám sàng lọc tại huyện Tuy An, Bệnh viện PHCN Phú Yên tiếp tục khám sàng lọc, tư vấn về PHCN tại TP Tuy Hòa.

 

Trong số bệnh nhân đến khám tại Trạm Y tế xã Bình Ngọc hôm đó có bà Hảo, bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa dẫn đến chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân. “Ba năm nay tôi bị đau nhiều, đi châm cứu cũng không hết. Vì đau nên tôi không dám đi lại”, bà cho biết. Bác sĩ Đặng Hoàng Hương Thùy khuyên bà Hảo đến bệnh viện để được kiểm tra, đánh giá đầy đủ và điều trị.

 

Mục tiêu của Bệnh viện PHCN Phú Yên trong năm 2019 là triển khai PHCN dựa vào cộng đồng tại 37 xã, phường, thị trấn của các địa phương: Tuy An (16 xã, thị trấn), TP Tuy Hòa (16 xã, phường), Đông Hòa (5 xã). Các chỉ số chủ yếu của chương trình: 100% người khuyết tật ở địa phương được khám, phát hiện; PHCN hòa nhập trên 50%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám sàng lọc, tư vấn và PHCN phù hợp; người khuyết tật có nhu cầu về dụng cụ trợ giúp, thay thế được hỗ trợ phù hợp…

Bác sĩ tư vấn: “Trường hợp của cô, châm cứu chỉ giúp giảm bớt cảm giác tê rần chứ không giải quyết được tình trạng chèn ép do thoát vị đĩa đệm nên không giải quyết được tình trạng hạn chế vận động. Để giải quyết tình trạng chèn ép thì cô phải áp dụng phương pháp kéo giãn cột sống hoặc phương pháp khác kết hợp với tập vận động”.

 

Cử nhân điều dưỡng Trần Quốc Cường (Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến) nói với bà Hảo: “Do cảm giác đau sau khi bị thoát vị đĩa đệm, cô không dám vận động nên cơ ngày càng yếu và teo, việc đi lại ngày càng khó khăn. Nếu cô không tập vận động thì càng lúc cơ càng yếu và sẽ co rút cả cơ lưng, không đi lại được”.

 

Khám cho một bệnh nhân 75 tuổi bị tai nạn cách đây 3 năm, bác sĩ Hương Thùy tư vấn: “Ông bị tổn thương tủy sống cổ, tứ chi đều yếu; tay đã liệt cứng. Bị liệt cứng mà châm cứu thì càng kích thích co cứng nhiều hơn nữa. Mức độ tổn thương của ông không nặng nhưng ông không được điều trị đúng cách. Ông phải tập vận động và tập đúng cách mới cải thiện được tình trạng này”.

 

Đến khám tại Trạm Y tế phường 9, bệnh nhân nam 34 tuổi bị gãy xương cẳng chân phải cách đây một tháng, chân trái bị teo cơ được tư vấn đến bệnh viện để chụp X-quang kiểm tra lại ổ gãy, sau đó bác sĩ sẽ có bài tập cụ thể và quyết định xem bệnh nhân có thể bỏ nạng được hay chưa. “Đúng ra sau phẫu thuật, anh phải tập PHCN để không bị cứng khớp và chân không có cảm giác nặng. Giờ đi được thì chân có cảm giác nhẹ hơn một chút nhưng sẽ không an toàn cho ổ gãy. Phải kiểm tra ổ gãy và kiểm tra cơ. Nếu chân phải còn yếu, chân trái của anh lại bị teo cơ, trụ không vững thì sẽ té ngã. Khó khăn nhất là lên xuống bậc cấp, rất nguy hiểm”, cử nhân điều dưỡng Trần Quốc Cường nói.

 

Bác sĩ Đặng Hoàng Hương Thùy cho biết, khuyết tật thường gặp trong các đợt khám sàng lọc tại cộng đồng là liệt do tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống, bại não… “Nhiều người dân quan niệm rằng liệt là phải châm cứu. Qua khám sàng lọc, chúng tôi thường gặp tình trạng này. Tuy nhiên, theo y học hiện đại, châm cứu có tác dụng trong giai đoạn liệt mềm. Còn đến giai đoạn liệt cứng, châm cứu sẽ kích thích, làm cho càng co cứng hơn, càng hạn chế chức năng vận động. Vì vậy, bệnh nhân tổn thương tủy sống nên được PHCN càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hương Thùy nói.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Trinh (Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến), song song với việc khám sàng lọc, cán bộ y tế còn hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên PHCN lập kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật tại cộng đồng. Cộng tác viên của chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã được tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, thực hành các kỹ thuật. Qua đợt khám sàng lọc này, các bác sĩ Bệnh viện PHCN Phú Yên tư vấn, hướng dẫn cộng tác viên PHCN cho bệnh nhân tại cộng đồng.

 

“Không ít người dân hay có kiểu ai bày gì làm nấy. Tuy nhiên, để PHCN đạt hiệu quả, người bệnh cần được khám, tư vấn và can thiệp bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngay cả máy móc vật lý trị liệu, không phải bệnh nhân nào cũng sử dụng được. Có những bệnh chống chỉ định sử dụng loại điện đó nhưng bệnh nhân không biết, vẫn sử dụng thì sẽ có tác dụng ngược”, bác sĩ Hương Thùy khuyến cáo.

 

Thông qua hoạt động khám sàng lọc, người khuyết tật được nắm bắt các nhu cầu, được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp PHCN. Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ công cộng, có thể hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng, năng lực, cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp