Châm loa tai, chấm dứt cơn nấc cụt kéo dài

Thứ hai - 01/04/2019 03:45
Bằng cách nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai, ThS-BS Ka Thúy Hằng (Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên) đã giúp bệnh nhân thoát khỏi chứng nấc cụt kéo dài trong nhiều ngày.
Châm loa tai, chấm dứt cơn nấc cụt kéo dài

Bằng cách nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai, ThS-BS Ka Thúy Hằng (Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên) đã giúp bệnh nhân thoát khỏi chứng nấc cụt kéo dài trong nhiều ngày. Nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai là sự kết hợp giữa nghiên cứu của bác sĩ người Pháp Paul Nogier về mối quan hệ giữa các cơ quan trong cơ thể với loa tai và phương pháp châm cứu của y học cổ truyền phương Đông, mang lại hiệu quả cao, an toàn, tiết kiệm, lại dễ thực hiện.

 

Bác sĩ Ka Thúy Hằng báo cáo tại Hội nghị Thừa kế lần thứ 2 - Ảnh: YÊN LAN

 

Theo bác sĩ Paul Nogier, chuyên gia châm cứu, loa tai có hình thái của bào thai lộn ngược; mỗi bộ phận, cơ quan trong cơ thể đều có điểm tương ứng trên loa tai. Khi một cơ quan nào đó bị bệnh thì điểm tương ứng đó bị kích thích (tăng nhạy cảm đau, thậm chí bị ửng đỏ, sưng nề). Từ nguyên lý đó, người thầy thuốc ứng dụng để điều trị bệnh của các cơ quan trong cơ thể.

 

Nấc cụt xảy ra do tình trạng co thắt đột ngột, bất thường, không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành (ngăn cách lồng ngực với khoang bụng), y học gọi là chứng kích động cơ hoành đồng bộ. Được đào tạo về nhĩ châm (châm loa tai) theo quan điểm của chuyên gia châm cứu người Pháp, Ths-BS Ka Thúy Hằng, Phó Trưởng Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên), nhận thấy khi cơ hoành bị co thắt đột ngột, không tự chủ và ngắt quãng thì điểm cơ hoành trên loa tai bị kích thích, ấn vào đau nhói.

 

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nấc cụt: rối loạn điện giải, ngộ độc, viêm dạ dày, loét thực quản…, một số bệnh khác cũng gây nấc, và yếu tố thần kinh nữa. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nấc cũng làm cho cơ hoành co thắt bất thường. Để tìm nguyên nhân cần có thời gian, tôi nghĩ vậy thì mình hãy tìm cách cắt cơn nấc cụt”, chị chia sẻ. Bác sĩ này đã sử dụng phương pháp nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai để cắt cơn cho 3 bệnh nhân bị nấc cụt kéo dài, chấm dứt những ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần.

 

Chữa bệnh cho bệnh nhân bằng phương pháp nhĩ châm trên vành tai - Ảnh: YHCT

 

Bệnh nhân đầu tiên mà bác sĩ Ka Thúy Hằng điều trị bằng phương pháp này là em ruột của chị. Hôm đó, khi hai chị em chuẩn bị về quê, em trai nói về việc nấc cụt đã 3 ngày đêm, rất mệt mỏi và nhờ chị kê đơn thuốc. Lúc đó, em trai của bác sĩ Thúy Hằng đang dùng tân dược để điều trị bệnh dạ dày. “Tôi nghĩ: Tại sao không nhĩ châm điểm cơ hoành? Đâu có hại gì! Tôi bèn lấy đầu bút, dò tìm điểm cơ hoành trên hai loa tai, chỗ bị kích ứng, và châm. Khoảng 10 phút sau, em tôi hết nấc. Tôi rất mừng, nhưng nghĩ em nấc đã 3 ngày đêm rồi nên không rút kim ngay mà lưu kim khoảng 60 phút. Hai chị em về đến quê thì tôi rút kim ra. Em không bị nấc lại”, bác sĩ Thúy Hằng kể.

 

Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, có tiền sử nấc cụt nhiều ngày. Nghe điều dưỡng báo bệnh nhân nấc cụt đã 2 ngày nay, bác sĩ Ka Thúy Hằng đến, giải thích và đề nghị sử dụng phương pháp nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai để cắt cơn nấc cụt. “Vì nấc đã 2 ngày, rất khó chịu, thấy bác sĩ đến không cho uống thuốc cũng không tiêm thuốc, chỉ nói châm trên tai nên ông ấy càng khó chịu. Ông ấy nói: “Lần trước, tui bị nấc cụt, đi bệnh viện khác người ta tiêm mấy loại thuốc mới hết đó nghen”. Tôi lẳng lặng làm việc cần làm. Châm xong, tôi thu dọn dụng cụ, vừa bước ra thì nghe mấy bệnh nhân cùng phòng kêu lên: Ơ, ông hết nấc rồi đó. 30 phút sau, điều dưỡng đến rút kim. Bệnh nhân không bị nấc lại. Tôi rất mừng khi thực hiện một thủ thuật đơn giản mà mang lại hiệu quả như thế. Cũng nói thật là mình chưa lên mạng tìm hiểu xem ở nơi khác người ta có sử dụng nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai để điều trị nấc cụt hay không”, bác sĩ Ka Thúy Hằng kể.

 

Cấu trúc loa tai - Nguồn: soha.vn

Trường hợp thứ ba càng đặc biệt. Đó là một người đàn ông 36 tuổi, ở Sông Hinh, có tiền sử viêm dạ dày, bị nấc cụt hơn một tuần, sau khi uống khoảng 2.500ml bia. Bệnh nhân không ăn được, chỉ uống sữa, cũng không ngủ được nên rất mệt mỏi, cáu kỉnh; bác sĩ hỏi cũng không muốn trả lời. Người bệnh nấc to khoảng 40 lần/phút, cả ngày lẫn đêm!

 

Khai thác bệnh sử và giải thích cho bệnh nhân xong, bác sĩ Ka Thúy Hằng dùng đốc kim tù dò tìm điểm cơ hoành trên hai tai của bệnh nhân và châm 30 phút bằng kim số 2. Số lần nấc giảm rõ. Khi điều dưỡng rút kim, bệnh nhân ngưng nấc khoảng 15 phút; người nhà rất mừng, vội đi mua cháo cho bệnh nhân ăn. Sau đó, bệnh nhân nấc lại nhưng nhỏ và thưa hơn trước. Bác sĩ Ka Thúy Hằng tiếp tục gắn kim nhĩ hoàn vào điểm cơ hoành hai bên, lưu đến 21 giờ. Đêm hôm đó, người bệnh ngủ được, chỉ nấc một cơn trong hơn 2 giờ; mức độ và số lần nấc giảm rõ rệt.

 

Hôm sau, bác sĩ Ka Thúy Hằng tiếp tục nhĩ châm hai điểm cơ hoành; đồng thời bệnh nhân được điều trị viêm dạ dày. Sau 24 giờ kể từ lúc bắt đầu lần châm đầu tiên, bệnh nhân hết nấc hoàn toàn. Người bệnh tiếp tục được điều trị viêm dạ dày và sử dụng trà dưỡng thần tiêu độc do bệnh viện sản xuất, sau 4 ngày thì xuất viện.

 

Tại Hội nghị Thừa kế do Hội Đông y tỉnh Phú Yên tổ chức vào tháng 9/2018, bác sĩ Ka Thúy Hằng có bài báo cáo “Nhĩ châm điểm cơ hoành điều trị nấc kéo dài”. Qua các trường hợp nấc cụt kéo dài đã được điều trị bằng phương pháp nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai, bác sĩ Ka Thúy Hằng nhận thấy đây là phương pháp an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cao. “Để phương pháp nhĩ châm điểm cơ hoành trên loa tai trở thành chứng cứ khoa học chất lượng cao hơn, tôi mong quý đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này”, bác sĩ Ka Thúy Hằng nói.

 

BSCKI Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đánh giá cao việc dùng nhĩ châm điều trị nấc cụt kéo dài. “Bệnh nhân bị nấc cụt kéo dài, cảm giác rất khó chịu; đang mắc bệnh khác kèm theo nấc cụt thì càng mệt mỏi hơn. Có nhiều phương pháp điều trị nấc cụt. Áp dụng nhĩ châm điều trị nấc cụt đạt hiệu quả cao là điều đáng vui mừng. Từ những ca này, chúng ta có thể áp dụng rộng rãi hơn để điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Tuấn nói.

 

Phương pháp nhĩ châm được phát triển mạnh nhất tại Pháp. Việt Nam cũng áp dụng nhĩ châm, điều trị được rất nhiều bệnh. Đau thần kinh tọa, áp dụng nhĩ châm cũng hiệu quả; đau dạ dày, nhĩ châm cũng cắt cơn đau. Đó là ưu điểm của nhĩ châm trong việc điều trị cắt cơn đau. Phương pháp nhĩ châm điều trị rất rộng trong nội khoa, cùng những phương pháp châm cứu khác.

 

Chứng nấc cụt có nhiều nguyên nhân, đòi hỏi người thầy thuốc phải nhanh nhạy nắm bắt được những thay đổi trên lâm sàng để điều trị bệnh bằng nhĩ châm mang lại hiệu quả.

 

BSCKI Lê Bá Thính,

nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp