Phòng bệnh cảm mạo, cảm cúm lúc giao mùa

Thứ hai - 12/10/2020 09:03
Giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Cơ thể không thích ứng kịp, còn các loại virus, vi khuẩn gây bệnh lại sinh sôi, phát triển nhanh.

Giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Cơ thể không thích ứng kịp, còn các loại virus, vi khuẩn gây bệnh lại sinh sôi, phát triển nhanh. Nếu hệ miễn dịch suy yếu thì rất dễ mắc bệnh, nhất là người già và trẻ em - những người có sức đề kháng yếu. Cảm mạo và cúm là hai bệnh thường gặp nhất lúc giao mùa.

 

1 Theo y học cổ truyền, cảm mạo là bệnh do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Người bệnh bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, đau nhức các cơ, mệt mỏi, sốt. Dân gian có cách trị cảm mạo rất hiệu quả là xông. Khi bị cảm mạo, bà con ở vùng quê thường hái một số loại lá có tinh dầu để xông giải cảm.

 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lâm Thị Như Ngọc (Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên), nồi lá xông “đúng chuẩn” phải có 3 nhóm lá chính. Nhóm thứ nhất có tác dụng kháng khuẩn, gồm lá hành, lá tỏi... Nhóm thứ hai giúp sát khuẩn đường hô hấp, gồm các loại lá có tinh dầu như lá chanh, bưởi, sả, tía tô, bạc hà, kinh giới, hương nhu... Nhóm thứ ba giúp hạ sốt, có thể dùng lá tre, lá duối... Tốt nhất là xông ngay khi vừa mới phát bệnh, xông mỗi ngày một lần cho đến khi hết cảm.

 

Khi xông, lỗ chân lông giãn nở, mồ hôi thoát ra. Xông xong thì lau khô người, nghỉ ngơi; không nên đi tắm ngay, cũng không nên đi ra ngoài gió. “Vì cơ thể mới vừa phát hãn, tức ra mồ hôi, đi ngoài gió dễ bị ngoại tà xâm nhập trở lại, có thể làm cho bệnh nặng hơn”, bác sĩ Như Ngọc cho biết.

 

Ngoài phương pháp xông, dân gian còn đánh gió để giải cảm. Theo bác sĩ Như Ngọc, nên dùng khoảng 40g ngải cứu, 5 củ hành, 8g gừng, giã nhỏ rồi sao nóng, sau đó cho thêm một ít rượu hoặc giấm vào (cho vừa đủ, không để hỗn hợp trên quá ướt). Bọc thuốc trong một miếng vải sạch và đánh từ vùng cổ xuống đến xương cùng; đánh giữa cột sống và hai bên cột sống, giúp cơ thể người bệnh ấm lên.

 

Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc trị cảm mạo, điểm chung là dùng những loại lá có tác dụng phát tán phong hàn, đơn cử như bài thuốc gồm lá bạc hà, tía tô, kinh giới (mỗi thứ khoảng 12g), 3 lát gừng, 3 củ hành, đem sắc với 2 chén nước đến khi còn một chén nước, uống nóng. “Thuốc này phải uống nóng để cơ thể phát hãn, giải ngoại tà”, bác sĩ Như Ngọc lưu ý.

 

2 Khác với cảm mạo, cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus tấn công hệ hô hấp (mũi, cổ họng và phổi) của người bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh cúm sẽ tự khỏi, tuy nhiên cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ vừa sinh xong, những người mắc các bệnh mãn tính... Bệnh cúm có các triệu chứng điển hình: sốt (trên 380C), đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng. Cách phòng chống cúm tốt nhất là tiêm vắc xin hàng năm, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu.

 

Bác sĩ Như Ngọc lưu ý: Khi trời trở lạnh, bà con nhớ giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em. Cần giữ ấm vùng mũi, cổ họng, tay chân vào buổi sáng sớm và buổi tối, đặc biệt là khi làm việc, sinh hoạt, vui chơi ngoài trời. Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang.

 

Cần giữ vệ sinh vùng mũi - họng (làm sạch bằng nước muối sinh lý hoặc các loại dung dịch vệ sinh phù hợp); thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vì ngoài bệnh đường hô hấp thì cũng dễ mắc bệnh đường tiêu hóa trong mùa này. Đồng thời, bà con giữ vệ sinh nơi ở và môi trường chung quanh, ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xuất hiện, lây lan.

 

Khi trời trở lạnh, bà con nhớ giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em. Cần giữ ấm vùng mũi, cổ họng, tay chân vào buổi sáng sớm và buổi tối, đặc biệt là khi làm việc, sinh hoạt, vui chơi ngoài trời. Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang.

 

Bác sĩ Lâm Thị Như Ngọc (Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên)

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp