Ấn tượng lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020: Nhân văn và đoàn kết

Thứ bảy - 24/07/2021 10:03
Sau gần chín năm chuẩn bị, tối 23/7, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai màn tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo với chủ đề “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc).

Sau gần chín năm chuẩn bị, tối 23/7, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai màn tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo với chủ đề “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc).

 

Điểm nổi bật của lễ khai mạc Olympic là những màn trình diễn giản dị nhưng đầy ý nghĩa của nước chủ nhà Nhật Bản. Thông qua những màn trình diễn kết hợp khéo léo giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, các nhà tổ chức đã truyền tải đi các thông điệp hết sức nhân văn.

 

Lễ thượng cờ Nhật Bản tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Lễ khai mạc Olympic 2020 khởi đầu bằng màn thượng cờ và hát quốc ca của nước chủ nhà. Sau đó đã dành một phút mặc niệm cho những người không may qua đời vì dịch COVID-19.

 

Buổi lễ được tiếp nối bằng chương trình diễu hành của các đoàn thể thao dự Olympic Tokyo 2020. Theo thông lệ của Olympic, đoàn thể thao đầu tiên tiến vào sân vận động là đoàn thể thao Hy Lạp, quê hương của Olympic.

 

Sau đó, các đoàn thể thao từ hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ lần lượt tiến vào sân vận động theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Nhật. Chương trình diễu hành kết thúc bằng sự xuất hiện của đoàn thể thao Nhật Bản.

 

Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành ở Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020.

 

Điểm đặc biệt của chương trình diễu hành năm nay chính là việc lần đầu tiên có một cặp VĐV nam, nữ cùng cầm cờ đại diện cho các đoàn thể thao. Thông qua điểm nhấn này, các nhà tổ chức muốn gửi gắm một thông điệp về bình đẳng giới.

 

Sau màn pháo hoa và lời tuyên thệ của các VĐV Nhật Bản là màn trình diễn biểu tượng Olympic Tokyo 2020 bằng công nghệ thực tế ảo. Biểu tượng này ẩn chứa một thông điệp về sự thống nhất trong đa dạng từ nước chủ nhà Nhật Bản.

 

Màn trình diễn đó kết thúc với sự xuất hiện của khẩu hiệu Olympic Tokyo 2020.

 

Khác với các kỳ thế vận hội trước đây, ngoài ba từ “Faster” (nhanh hơn), “Higher” (cao hơn) và “Stronger” (mạnh mẽ hơn), khẩu hiệu của Olympic Tokyo 2020 được IOC bổ sung thêm từ “Together” (cùng nhau) để thể hiện sự đoàn kết của thế giới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

 

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Thomas Bach, Chủ tịch IOC, nhấn mạnh dịch COVID-19 đã tạo ra khoảng cách giữa con người và chia cắt nhiều người với những người thân yêu của mình. “Nhưng hôm nay, ở bất cứ mọi nơi trên thế giới, chúng ta đang gắn kết để cùng nhau chia sẻ khoản khắc này"

 

Sau tuyên bố khai mạc Olympic lần thứ 32 của Nhật hoàng Naruhito, lá cờ Olympic được 6 VĐV, đại diện cho 5 châu lục và đoàn thể thao người tị nạn, rước vào sân.

 

Tiếp đó, lá cờ này được chuyển cho 8 người, đại diện cho những người lao động ở Tokyo - những người đã đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố này - trước khi được thượng cờ.

 

Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 kết thúc bằng nghi thức thắp đuốc hết sức ý nghĩa. Ngọn đuốc Olympic lần lượt được truyền qua tay của các VĐV xuất sắc của Nhật Bản, rồi đến bác sĩ và y tá đại diện cho những "chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19, VĐV người khuyết tật đại diện cho sự chiến thắng của bản thân trước nghịch cảnh và các học sinh của Miyagi, Iwate và Fukushima - ba địa phương ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản bị tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011, trước khi được chuyển tới tay nữ VĐV quần vợt Naomi Osaka - người đang xếp vị trí thứ 1 trên bảng xếp hạng của Hiệp hội Tennis nữ (WTA) và vừa lần thứ 2 giành chức vô địch giải Grand Slam Úc mở rộng.

 

Và chính nữ VĐV quần vợt này đã thắp sáng ngọn đuốc của thế vận hội.

 

Màn trình diễn pháo hoa tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Có thể thấy, nghi thức rước đuốc lần này ẩn chứa toàn bộ các thông điệp mà nước chủ nhà muốn gửi gắm trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 - đó là tinh thần thể thao, sự ghi nhận những chiến công thầm lặng của những người "chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tinh thần vượt khó, sự hồi phục của Nhật Bản sau thảm họa cách đây 10 năm và niềm tin vào chiến thắng.

 

Theo Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, có khoảng 11.000 VĐV đến từ hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự Thế vận hội mùa hè này. Các VĐV sẽ tranh tài ở 33 môn và 339 nội dung thi đấu, tăng 4 môn và 15 nội dung so với kỳ thế vận hội lần trước. Với 4 môn được bổ sung, gồm: trượt ván, lướt sóng, leo núi thể thao và karate, Olympic Tokyo là thế vận hội mùa Hè có số lượng môn thi lớn nhất từ trước tới nay.

 

Tại Olympic 2020, đoàn thể thao Việt Nam gồm 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV, do ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể thao, làm trưởng đoàn.

 

Các VĐV cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam là Nguyễn Huy Hoàng và Quách Thị Lan. Đây là hai VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam. Quách Thị Lan là VĐV điền kinh duy nhất của Việt Nam dự Olympic Tokyo ở nội dung 400 m rào nữ, trong khi Nguyễn Huy Hoàng sẽ tranh tài ở nội dung bơi 1.500m tự do nam.

 

M.HÙNG (tổng hợp)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp