* Chủ nhà Nhật Bản giành huy chương đầu tiên
Võ sĩ Nguyễn Văn Đương vừa thắng trận đầu tiên tại Olympic Tokyo 2020 ở hạng cân 52-57kg môn boxing, qua đó giành quyền vào thi đấu vòng 1/8 dành cho 16 vận động viên.
Môn boxing, trước đối thủ Aliyev Tayfur đến từ Azerbaijan được đánh giá cao hơn và từng giành HCĐ giải Vô địch châu Âu 2015, xếp thứ 5 ở giải Vô địch Thế giới 2019, võ sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Đương đã thi đấu quyết tâm cùng chiến thuật hợp lý để tạo nên bất ngờ.
Ngay hiệp 1, võ sĩ Việt Nam chủ động tấn công và để lại dấu ấn với cú đấm tay sau sở trường khiến đối thủ ngã xuống sàn và trọng tài dừng đếm đến 7 giây.
Sang hiệp 2, Văn Đương tiếp tục chơi chủ động, tấn công liên tục để tạo thế áp đảo. Kết thúc hiệp này, vận động viên sinh năm 1996 được các trọng tài chấm điểm rất cao với 5 điểm 10 tuyệt đối.
Nhờ vậy, võ sĩ này chơi thận trọng để bảo toàn chiến thắng với tỉ số chung cuộc 3-2 sau ba hiệp đấu. Kết quả ấn tượng đưa Nguyễn Văn Đương lọt vào vòng đấu dành cho 16 VĐV xuất sắc ở hạng cân 52-57kg.
Đối thủ của anh ở vòng tới là võ sĩ Erdenebat Tsendbaatar của Mông Cổ, cũng được đánh giá cao khi từng đứng thứ 5 tại Olympic Rio 2016, đoạt huy chương vàng ASIAD 2018 và vô địch châu Á năm 2019.
Thành tích ấn tượng của Nguyễn Văn Đương còn ghi dấu ấn cho Boxing Việt Nam. Sau 33 năm kể từ trận thắng đầu tiên ở Thế vận hội Seoul 1988 của vận động viên Đặng Hiếu Hiền, đây mới là lần thứ hai các võ sĩ Việt Nam được hưởng niềm vui chiến thắng.
Môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn không thể giành HCĐ như kỳ vọng cho thể thao Việt Nam ở hạng cân 61 sau phần thi cử giật và cử đẩy.
Thạch Kim Tuấn chỉ nâng được 126kg phần cử giật. Ảnh: Getty Images |
Ở phần cử giật, Thạch Kim Tuấn đăng ký mức tạ 126kg và phải cần hai lần cử mới thành công. Lần thứ ba, anh không nâng được mức tạ 130kg như đăng ký và chỉ xếp thứ 8 trong số 9 VĐV dự chung kết.
Sang phần cử đẩy, Thạch Kim Tuấn ban đầu đăng ký mức tạ 158kg nhưng sau giảm xuống 150kg. Ở hai lần cử đầu, anh không thực hiện thành công bởi gặp một vài vấn đề về thể trạng sau phần cử giật.
Tới lần ba, HLV Huỳnh Hữu Chí quyết nâng mức 153kg cho học trò. Kim Tuấn nâng thành công nhưng các trọng tài lại cho rằng vận động viên Việt Nam mắc lỗi nên không công nhận.
Chung cuộc, Thạch Kim Tuấn chỉ có thành tích 126kg phần cử giật và không hoàn thành loạt cử đẩy, đành phải ngậm ngùi nói lời chia tay với Olympic Tokyo 2020. Trong những giải đấu gần đây, thành tích tốt nhất của anh là 132kg cử giật và 161kg cử đẩy.
Ở nội dung này, đô cử Li Fabin của Trung Quốc giành HCV với tổng cử 313kg và lập kỷ lục Olympic. Đây không phải bất ngờ bởi chính VĐV này đang nắm giữ kỷ lục thế giới ở mức 318kg. Ở phần thi cử giật tại Olympic Tokyo 2020, Li Fabin cũng lập kỷ lục nhờ nâng được tới 172kg.
Trong khi đó, VĐV Eko Yuli Irawan (Indonesia) về nhì với tổng cử 302kg và lần thứ ba liên tiếp giành huy chương ở Olympic. HCĐ thuộc về đô cử Son Igor của Kazakhstan với tổng cử 394kg (cử giật 131kg, cử đẩy 163kg).
Môn rowing, cặp đôi VĐV Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo bước vào cuộc đua giành một trong ba vị trí dẫn đầu nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ hai mái chèo để giành vé vào bán kết.
Tuy nhiên, với thành tích 7 phút 53 giây 69, xếp thứ 5/6, họ bị loại khỏi nhóm tranh huy chương và sẽ chỉ thi đấu xếp hạng vào ngày 27/7.
Môn judo, võ sĩ Funa Tonaki của nước chủ nhà Nhật Bản giành HCB trong trận đấu chung kết với đối thủ Distria Krasniqi của Kosovo ở hạng cân 48kg nữ. Đây là tấm huy chương đầu tiên của đoàn thể thao Nhật Bản.
VĐV Nhật Bản Funa Tonaki (phải) trong trận chung kết với đối thủ Distria Krasniqi của Kosovo, ngày 24/7/2021. Nguồn: japantimes.co.jp |
Trong trận đấu chung kết gặp đối thủ Distria Krasniqi của Kosovo ở hạng cân 48kg nữ, võ sĩ 25 tuổi của Nhật Bản thất bại do đòn waza-ari uchi-mata và chỉ giành được huy chương bạc.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một kết quả đáng khích lệ đối với vận động viên này bởi đây là lần đầu tiên cô tham dự đấu trường Olympic.
Trong khi đó, HCV của Krasniqi là huy chương thứ 2 mà đoàn thể thao Kosovo giành được tại đấu trường Olympic.
Ở hạng cân 52kg nữ, mặc dù rất nỗ lực song võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy đã thất bại bởi điểm Ippon trước đối thủ người Romania Andreea Chitu.
Kết quả này được dự đoán từ trước khi võ sĩ Chitu từng dự các kỳ Olympic năm 2012 và 2016, đoạt HCB Giải vô địch thế giới các năm 2014 và 2015. Năm 2020, Chitu đứng thứ 2 tại Giải vô địch châu Âu tổ chức ở Cộng hòa Czech.
Bốn nữ kình ngư Úc. Nguồn: Reuters |
Môn bơi lội, các nữ kình ngư Úc thể hiện sự vượt trội trên đường đua xanh khi phá kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung 4x100m tiếp sức tự do.
Đội hình gồm Cate Campbell, Emma McKeon, Meg Harris và Bronte Campbell đã lập thành tích 3 phút 29 giây 69 và giành HCV nội dung này đầy thuyết phục.
Kỷ lục thế giới trước đó cũng do đội nữ Úc lập ở Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Games) 2018 là 3 phút 30 giây 05.
Đoạt HCB nội dung 4x100m tiếp sức tự do nữ là Canada, trong khi đội Mỹ giành HCĐ.
N.HÙNG (tổng hợp)