Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) chỉ còn được tính bằng giờ.
Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã được Ban tổ chức nước chủ nhà lên kế hoạch chu đáo và tỉ mỉ, chi tiết.
Suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 gặp nhiều khó khăn, nhiều kế hoạch không thể triển khai theo đúng tiến độ.
Tuy nhiên, với quyết tâm và niềm tự hào dân tộc, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đã gần như đạt 100% tiến độ và yêu cầu công việc đề ra.
"Nóng" trước "giờ G"
Mặc dù lễ khai mạc diễn ra tối 12/5 nhưng một số môn thể thao đã khởi tranh trước đó, nhiều tấm huy chương đã xuất hiện trên bảng xếp hạng của đại hội.
Ngày 10/5, kurash và bóng ném bãi biển đã mang về 5 huy chương Vàng cho thể thao Việt Nam. Trước đó, các vận động viên môn nhảy cầu cũng đã gắn thêm những tấm huy chương Bạc, Đồng lên bảng thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam ngay trong ngày đầu ra quân.
Môn "thể thao vua" luôn đem lại cảm hứng và sự gắn kết người yêu thể thao nói chung và cổ động viên bóng đá nói riêng.
Trong trận mở màn của U23 Việt Nam trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), hàng vạn khán giả đã tới sân cổ vũ cho đội tuyển, sức "nóng" không chỉ bao trùm trên sân cỏ, khán đài mà còn lan tỏa tới các khu vực công cộng, các tuyến đường lớn của "đất Tổ."
Vẫn là bóng đá, ngay cả ở bảng đấu không có đội Việt Nam tham dự, sân vận động Thiên Trường (Nam Định) dường như cũng không còn chỗ ngồi trống.
Không chỉ cổ động viên của mảnh đất thành Nam có mặt tại sân để cổ vũ cho các đội bóng mà những người yêu bóng đá, hội cổ động viên ở các địa phương khác cũng không ngại khoảng cách địa lí để trở thành "cầu thủ thứ 12" đến "tiếp lửa" cho các chàng trai U23 trên sân cỏ.
Với sự cổ vũ nồng nhiệt, tình yêu thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, những khoảng trống trên sân Thiên Trường đã được lấp đầy ngay cả trước khi bóng lăn.
Không khí sôi động, sự cổ vũ nhiệt thành của người hâm mộ giống như sợi dây vô hình liên kết tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, để vận động viên các nước bạn cảm nhận được sự gần gũi, được tiếp thêm động lực ngay cả khi không được thi đấu trên sân nhà.
Thắt chặt nhịp cầu hữu nghị
Sáng 11/5, phát biểu chào mừng tại Lễ thượng cờ SEA Games 31, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức SEA Games. Đây là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nước chủ nhà đối với khu vực Đông Nam Á.
Lễ rước cờ của liên đoàn thể thao Đông Nam Á tại buổi tổng duyệt Lễ khai mạc SEA Games 31. Ảnh: TTXVN |
SEA Games 31 diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố. Đây sẽ là đấu trường thể thao hội tụ tinh hoa xuất sắc của thể thao Đông Nam Á, là nơi tranh tài của những vận động viên xuất sắc nhất trong khu vực.
Ban tổ chức SEA Games 31 nhiệt liệt chào mừng đón 8.000 cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, quan chức quốc tế, vận động viên của 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á và các quan chức thể thao đến từ khắp nơi trên thế giới đến dự và điều hành Đại hội, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.
Lễ thượng cờ SEA Games 31 được tổ chức trang trọng, uy nghiêm và thể hiện đúng về nghi lễ, qua đó tạo không khí thân thiện và sự đoàn kết của các quốc gia trong khu vực.
Lễ thượng cờ được tổ chức nhằm thể hiện sự có mặt của các quốc gia, chào đón các đoàn thể thao đến tham dự SEA Games 31, khích lệ tinh thần thi đấu của các vận động viên.
Sự kiện cũng góp phần thể hiện bản sắc, văn hóa và con người Việt Nam, mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho các vận động viên tham dự Đại hội.
Lễ thượng cờ diễn ra, cũng đồng nghĩa với việc thời khắc tới Lễ khai mạc SEA Games 31 đã cận kề. Theo Ban tổ chức, SEA Games 31 tại Việt Nam là nhịp cầu hữu nghị thắt chặt tình đoàn kết của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh toàn cầu đang khủng hoảng vì đại dịch COVID-19.
Đây cũng là cơ hội cùng sát cánh bên nhau để chia sẻ, động viên và cùng nhau vượt qua thử thách trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thông điệp "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a tronger South East Asia" được thể hiện rõ ràng, cuốn hút thông qua các loại hình nghệ thuật mang tính biểu trưng, tương tác, đại chúng và đặc sắc tại lễ khai mạc.
Theo Ban tổ chức SEA Games 31, lễ khai mạc này cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đủ điều kiện về thiết bị kỹ thuật và sự hỗ trợ của công nghệ mới trong nghệ thuật thể hiện, biểu diễn và trình diễn quy mô quảng trường, mang tính đại chúng.
Nội dung chính của Lễ khai mạc sẽ thể hiện một Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng, lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động lớn.
Sự kiện không chỉ đề cao quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn có mục đích lớn lao hơn là tôn vinh bản sắc văn hóa của cộng đồng các nước trong khu vực Đông Nam Á để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, coi trọng tinh thần cống hiến và trung thực, động viên nội lực của con người thông qua thi đấu thể thao.
Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra tối 12/5, đến thời điểm hiện tại, các đoàn tham dự Đại hội cũng đã có mặt tại Việt Nam để chờ đợi ngày khai hội.
Sau 19 năm, Việt Nam mới lại có dịp đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.
Người dân Việt Nam đang chờ đợi thời khắc khai mạc SEA Games 31, tiếp tục cổ vũ cho các vận động viên thi đấu hết mình, cùng tỏa sáng, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị.
Theo TTXVN/Vietnam+