Biến thể COVID-19 mới XBB.1.16 gây ra các bệnh về mắt

Thứ ba - 09/05/2023 12:03
Biến thể COVID-19 mới XBB.1.16, còn được biết đến với tên gọi Arcturus (tên ngôi sao sáng nhất ở Bắc bán cầu), gây ra các triệu chứng cơ bản của COVID-19 là sốt và ho, cùng với đó là các bệnh mắt như viêm kết mạc, đau mắt đỏ, ngứa mắt.

Biến thể COVID-19 mới XBB.1.16, còn được biết đến với tên gọi Arcturus (tên ngôi sao sáng nhất ở Bắc bán cầu), gây ra các triệu chứng cơ bản của COVID-19 là sốt và ho, cùng với đó là các bệnh mắt như viêm kết mạc, đau mắt đỏ, ngứa mắt.

 

Tốc độ lây nhiễm của XBB.1.16 nhanh gấp 1,17-1,27 lần so với biến thể Omicron. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp XBB.1.16 vào nhóm biến thể đáng quan tâm và khả năng cao biến thể này sẽ lan rộng tại Hàn Quốc.

 

Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết một biến thể mới xuất hiện thường sẽ có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn, song hiện vẫn chưa có báo cáo nào về việc biến thể mới này có mức độ chuyển bệnh nặng hơn các biến thể khác.

 

Số ca mắc COVID-19 mới bình quân/ngày trong tuần từ 16/4-22/4 ở Hàn Quốc tăng 18% so với tuần trước đó. Hệ số lây nhiễm là 1,08, lớn hơn 1, có nghĩa là dịch bệnh đang lây lan rộng. WHO trong tuần qua đã thêm biến thể phụ mới đang lây lan nhanh của Omicron XBB.1.16 vào danh sách biến thể mới đáng quan tâm.

 

WHO cho biết biến thể XBB.1.16 đang vượt trội biến thể chiếm chủ đạo XBB.1.5 trước đó ở nhiều nơi. XBB.1.16 là hậu duệ của XBB tái tổ hợp (XBB vốn là sự kết hợp giữa hai dòng phụ của BA.2). Hiện tại, XBB.1.16 là biến thể chiếm chủ đạo ở Ấn Độ, chủ yếu gây ra các triệu chứng COVID-19 nhẹ. Biến thể XBB.1.16 đã được phát hiện ở 32 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu một biến thể có gây ra làn sóng COVID-19 ở một quốc gia hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng miễn dịch cộng đồng trong dân số.

 

Trong diễn biến khác, ngày 27/4, chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ hạ cấp độ dịch COVID-19 xuống tương đương với cúm mùa từ ngày 8/5 tới, mở đường khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh tế và xã hội tại nước này.

 

Nhật Bản sẽ đưa COVID-19 xuống bệnh Nhóm 5 tương đương với cúm mùa. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ không ban hành tình trạng khẩn cấp mỗi khi dịch bệnh bùng phát, đồng thời ngừng chi trả các hóa đơn điều trị COVID-19 nội và ngoại trú, ngoại trừ các ca điều trị tốn kém.

 

Một hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế Nhật Bản đã nhất trí thực hiện việc hạ cấp độ dịch bệnh theo kế hoạch được vạch ra trước đó dựa trên thực tế dịch bệnh và khả năng sẵn sàng ứng phó của hệ thống y tế Nhật Bản trong trường hợp dịch bùng phát.

 

Ủy ban trên cho biết khoảng 8.400 cơ sở y tế, tương ứng 90% bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc, đủ khả năng đã tiếp nhận tới 58.000 bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, khoảng 44.000 cơ sở có khả năng điều trị ngoại trú, cao hơn so với mức 42.000 cơ sở hiện nay.

 

Nhật Bản cũng đang cân nhắc sẽ chấm dứt các biện pháp kiểm soát biên giới phòng dịch COVID-19 từ ngày 29/4 tới, sớm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu, với dự báo nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng cuối tuần này.

 

Hiện tại, COVID-19 vẫn được kiểm soát tương đương hoặc nghiêm ngặt hơn bệnh Nhóm 2, bao gồm các bệnh truyền nhiễm như lao phổi và SARS. Mọi cá nhân nhập cảnh Nhật Bản phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm ít nhất ba mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus 72 giờ trước khi khởi hành.

 

Tuy nhiên, Giáo sư bệnh truyền nhiễm từ Đại học Y tế và phúc lợi, ông Tetsuya Matsumoto, cho rằng vẫn tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao khi người dân ra ngoài nhiều hơn và trở lại nhịp sống như trước khi đại dịch xảy ra. Ông khuyến khích người già và những người dễ bị tổn thương tiếp tục đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp