Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tờ trình nêu rõ, hơn một thập kỷ qua, ngành hàng không Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hiện cả nước có 22/23 cảng hàng không đang khai thác, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội.
Ngành hàng không Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ảnh minh họa. |
Tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây của ngành hàng không Việt Nam đạt khoảng 18%, là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất tại Đông Nam Á.
Bộ GTVT dự báo tổng nhu cầu hành khách dự kiến đến năm 2030 khoảng 275,9 triệu người, tổng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự kiến khoảng 4,1 triệu tấn. Đến năm 2050 dự báo khoảng 491,1 triệu hành khách với 16 triệu tấn hàng hoá có nhu cầu vận chuyển qua các cảng hàng không.
Trong bối cảnh mới, Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải nâng cao chất lượng, điều chỉnh phương pháp lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm thực hiện được các định hướng phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Theo đó, Bộ GTVT đã lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc. Cụ thể:
Giai đoạn 2021-2030: Mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính là Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm:
14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không lưỡng dụng).
Đáng lưu ý, Bộ GTVT cũng cho biết sẽ duy trì vị trí quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Hành khách lẫn tài xế công nghệ vẫn chật vật ở ga quốc tế Tân Sơn NhấtSau gần một tuần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khắc phục bất cập trong bãi đậu xe ga quốc tế, cánh tài xế vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đón khách. |