COVID-19 có thể tái bùng phát

Thứ ba - 09/05/2023 12:03
Thời gian gần đây, các ca nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số ca mắc COVID-19, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng so với vài tháng trước.

Thời gian gần đây, các ca nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số ca mắc COVID-19, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng so với vài tháng trước.

 

Đánh giá chung thì dịch bệnh COVID-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát, phần lớn ca mắc có triệu chứng nhẹ, thậm chí không triệu chứng. Một số ca nặng, cần thở máy thuộc nhóm có nguy cơ cao như người già, người mắc bệnh nền, người có thể trạng yếu, người chưa tiêm liều nhắc lại...

 

Tuy nhiên, với các yếu tố sau, dịch COVID-19 có nguy cơ tái bùng phát. Trước hết là tỉ lệ tiêm liều nhắc lại thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 266 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm, nhưng tỉ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4) ở người từ 18 tuổi trở lên còn thấp. Ở các lứa tuổi dưới 18, vẫn còn một số người chưa tiêm đủ liều cơ bản, thậm chí có em chưa tiêm mũi nào! Một số cha mẹ không đồng ý để con mình tiêm chủng do thấy tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, hay sợ bị biến chứng...

 

Mọi người đều biết kháng thể bảo vệ sẽ dần dần giảm tác dụng theo thời gian. Nếu không tiêm nhắc lại, nồng độ kháng thể trong cơ thể thấp thì nguy cơ nhiễm virus sẽ tăng. Hơn nữa, ở những người không tiêm nhắc lại, bên cạnh nguy cơ dễ nhiễm virus, khi bị bệnh thì bệnh sẽ nặng hơn so với người tiêm đủ liều. Tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại thấp cùng với một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian tới. Do đó, mỗi người, mỗi gia đình không được chủ quan!

 

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch hoặc không còn hạn chế xuất nhập cảnh, do đó sự giao lưu giữa các châu lục, các quốc gia trở lại bình thường. Và sau một thời gian phòng chống dịch nghiêm khắc, khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, dỡ bỏ, các hoạt động trở lại bình thường thì người dân có xu hướng “bù đắp” như du lịch nhiều hơn, tụ tập nhiều hơn; các hoạt động cộng đồng được tổ chức nhiều hơn, số người tham gia cũng nhiều hơn. Khi dịch bệnh đã được khống chế, người dân thường có tâm lý chủ quan, coi thường, nhiều người còn cho rằng đã tiêm vắc xin thì không còn e sợ gì nữa. Thậm chí có người nghĩ rằng mình đã được miễn dịch thì dù có mắc COVID-19 cũng không sao. Có người lại cho rằng SARS-CoV-2 đã hết độc lực, không còn gây bệnh nặng nữa... Những suy nghĩ này làm cho người dân chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng dịch. Mặt khác, công tác truyền thông không còn mạnh mẽ như trước nên nhiều người “quên” sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19.

 

Các yếu tố trên làm cho dịch COVID-19 có nguy cơ tái bùng phát. Vì vậy, mọi người, mọi nhà hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch mà cơ quan chức năng khuyến cáo như tiêm chủng đầy đủ, thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) thì chúng ta sẽ tránh được nguy cơ tái bùng phát dịch.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp