Vào lúc 8 giờ sáng 10/11, gió mưa vẫn tầm tã quần quật. Mở hé cửa, tôi thấy ông khu phố trưởng mặc áo mưa, đầu đội mũ bảo hiểm đi ngang nhà, nên hỏi với ra: Bão 12 đang quần mà sao anh ra ngoài cho nguy hiểm vậy? Ông trả lời: Mình tranh thủ lúc gió chưa mạnh lắm đi xem tình hình bà con và khu phố thế nào, chớ ngồi nhà không yên tâm.
Đợt bão số 9 vừa rồi, nhờ đi như vậy nên mới phát hiện có nhà bị rớt dây điện xuống đường. Vì thế, gọi điện báo ngay cho họ để cảnh giác khi mở cổng. Sau đó, các anh điện lực đã kịp thời xuống khắc phục để đảm bảo an toàn cho người lại qua.
Có thể nói, lâu nay, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, khu phố luôn là chỗ dựa tin cậy của người dân trong cuộc sống an thường cũng như lúc cộng đồng gặp tai ương, hoạn nạn. Khi bình thường, những cán bộ này luôn sát dân, gần dân, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách nhằm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Lúc xảy ra thiên tai, trong khi chờ các lực lượng vũ trang và các cơ quan chuyên trách triển khai cứu hộ, cứu nạn, cũng chính những cán bộ này là người đầu tiên kịp thời có mặt tại nơi mà người dân cần họ. Họ không ngại an nguy bản thân để sơ tán, đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm những khi có bão lớn, sạt lở đất hay lũ lụt hoành hành. Như ở Phú Yên, trong trận lũ lịch sử năm 2009, một cán bộ chủ chốt xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đã khéo léo, dũng cảm chèo thuyền vượt qua lũ lớn để đưa người dân đến nơi an toàn.
Gần đây nhất là trong trận mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Hà Tĩnh vào giữa tháng 10 vừa rồi, anh Phạm Đình Hòa (37 tuổi), Trưởng thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) đã chèo thuyền xuyên lũ trong đêm cứu và đưa hàng chục người dân thoát khỏi dòng nước hung bạo. Không những vậy, anh còn huy động 17 người khác trong thôn có thuyền cùng làm theo như mình. Nhờ vậy, toàn bộ người dân thôn Sơn Trình đều được bảo đảm tính mạng.
Cán bộ cơ sở - đặc biệt là ở thôn, buôn, khu phố - phục vụ dân với tâm thế tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là chủ yếu. Nói thế là vì tuy họ có phụ cấp theo quy định Nhà nước nhưng chỉ một phần rất nhỏ.
Các chủ trương, công tác của xã, phường, thị trấn muốn triển khai hiệu quả ở khu dân cư đều phải có sự góp sức, chung tay của đội ngũ cán bộ này. Họ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu của khu phố, thôn, buôn. Qua đó góp phần quyết định thành công các mục tiêu của xã, phường, thị trấn… Họ được dân tin yêu, xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn trong điều kiện cho phép để yên tâm, gắn bó với vai trò, nhiệm vụ của mình.
VŨ HOÀNG MINH (phường 6, TP Tuy Hòa)